“Lùm xùm” Yến sào Khánh Hòa: Có hay không lợi ích nhóm?

Hoạt động của nhiều ki-ốt phố đi bộ Nguyễn Thi (TP. Nha Trang), do Yến sào Khánh Hòa cho thuê, đã bị phản ánh là trái pháp luật, nhưng quá trình xử lý vụ việc kéo dài với nhiều khuất tất.

Lỗ hổng quy hoạch

Khu ki-ốt phố đi bộ Nguyễn Thi (còn gọi là chợ đêm Nha Trang) đã đi vào hoạt động gần 10 năm nay. Tuy nhiên, đến năm 2018, khi dự án Panorama Nha Trang sắp đi vào hoạt động, thì nhiều chuyện khuất tất mới bắt đầu hé lộ.

Theo thông tin mà Reatimes nắm bắt được, một đơn vị đã gửi văn bản lên UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND TP. Nha Trang, đề nghị giải tỏa các ki-ốt bán hàng tại đường Nguyễn Thi, tiếp giáp với dự án Panorama Nha Trang.

Đến ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, xem xét nội dung đề nghị của Công ty VNT. Theo báo cáo ngày 13/12/2018, của Sở này, trong cuộc họp giữa Sở và 2 công ty liên quan, Công ty Yến sào Khánh Hòa không đưa ra được bất cứ văn bản nào của UBND tỉnh về Đề án quy hoạch phố đi bộ trên địa bàn thành phố Nha Trang, có liên quan đến đường Nguyễn Thi.

Ki-ốt che khuất mặt sau tòa nhà Panorama Nha Trang

Chi chít các gian hàng chợ đêm Yến Sào

Sự việc kéo dài từ năm 2018, nhiều năm trôi qua, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục “phối hợp” giải quyết, bất chấp Công ty VNT đã 4 lần đề nghị giải tỏa các ki-ốt gây ảnh hưởng đến lối thoát PCCC của dự án Panorama Nha Trang.

Theo công văn đề nghị lần 4 của Công ty VNT, việc tồn tại của các ki-ốt này (ki-ốt tiếp giáp dự án Panorama Nha Trang – PV) vi phạm pháp luật, không có trong phê duyệt quy hoạch của TP. Nha Trang, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của hàng ngàn du khách tại tòa nhà Panorama Nha Trang khi có xảy ra hỏa hoạn, mà mặt đường Nguyễn Thi là 1 trong những mặt tiếp giáp của xe chữa cháy.

Nhiều khuất tất cần làm rõ

Mặt khác, Công ty VNT cũng nêu rõ trong văn bản đề nghị ngày 9/10/2019: “Theo báo cáo của Công ty Yến sào, tại thời điểm thành lập Phố đi bộ chỉ phê duyệt 25 gian hàng, nay đã lên đến hơn 100 gian hàng và tại khu vực tiếp giáp dự án là Bãi đậu xe không cho phép mở rộng gian hàng.

“Vậy, Công ty chúng tôi hiểu rằng Công ty Yến sào đang vi phạm nghiêm trọng về việc:

1. Bố trí 100 gian hàng trong khi phê duyệt chỉ có 25 gian hàng.

2. Bố trí các gian hàng kín toàn bộ các khu vực không được phép bố trí (theo sơ đồ thành phố Nha Trang đang lưu giữ).

Mặc dù vậy, chúng tôi đã gửi nhiều văn bản, khẩn thiết kêu gọi lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo dứt điểm việc di dời các ki-ốt tiếp giáp mặt bố trí phương tiện PCCC của dự án, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, toàn bộ tài sản của dự án, nếu có xảy ra hỏa hoạn, nhưng đã gần 1 năm nay vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Chúng tôi hiểu là quyền lợi, lợi ích của các tổ chức/cá nhân trong các ki-ốt chợ đêm rất lớn nhưng không vì thế mà bỏ qua tất cả sự an toàn của hàng nghìn con người, du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi thiết nghĩ công ty Yến sào Khánh Hòa đã hưởng quá nhiều quyền lợi trong hơn 10 năm qua, nay cần phải trả lại đúng quy hoạch của vị trí con đường Nguyễn Thi là bãi xe, là đất trống để không ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách và tài sản của dự án Panorama Nha Trang”,  văn bản của Công ty VNT nêu rõ.

Yến Sào trả lại mặt bằng cho Panorama Nha Trang, dù còn nhiều khuất tất

Được biết, đến tháng 1/2020, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa, TP. Nha Trang và các Sở liên quan xử lý tháo dỡ khoảng 16 ki-ốt, tiếp giáp dự án Panorama Nha Trang. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ông Lê Hữu Hoàng, Công ty VNT có trách nhiệm phối hợp, làm việc với UBND TP. Nha Trang và Công ty Yến sào Khánh Hòa để thống nhất phương án hỗ trợ kinh phí trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên.

Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng, Công ty Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp Nhà nước, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Đã là doanh nghiệp lớn của Nhà nước, cần phải thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, minh bạch, làm gương cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, với diễn biến của vụ việc phố đi bộ Nguyễn Thi đã bộc lộ nhiều điều khuất tất.

Nếu việc tồn tại các ki-ốt ở phố đi bộ Nguyễn Thi là đúng quy định pháp luật thì tại sao phải tháo dỡ? Trường hợp những cáo buộc của Công ty VNT là đúng thì tại sao việc xử lý sai phạm của Công ty Yến sào Khánh Hòa lại kéo dài hết năm này qua năm khác? Phải chăng việc kéo dài này là để Công ty Yến sào Khánh Hòa tiếp tục trục lợi trên sai phạm? Và nếu Công ty VNT không làm gì sai thì tại sao ông Phó Chủ tịch tỉnh lại chỉ đạo công ty này phải hỗ trợ kinh phí để giải quyết hậu quả của Công ty Yến sào Khánh Hòa gây ra?

Rất nhiều nghi vấn đặt ra xung quanh việc tranh chấp giữa Công ty Yến sào Khánh Hòa và một doanh nghiệp từ nơi khác đến Khánh Hòa đầu tư. Dư luận đang chờ sự minh bạch thông tin và chính trực của những lãnh đạo mới nhận chức của tỉnh Khánh Hòa, sau nhiều bê bối của các đời lãnh đạo trước vừa bị kỷ luật.

Theo Công Hưng – Quốc Đại/ Reatimes.vn

Link bài gốc: http://reatimes.vn/lum-xum-yen-sao-khanh-hoa-co-hay-khong-loi-ich-nhom-20200406150006946.html

 

Bài cùng chuyên mục