Yến sào Khánh Hoà bị tố sai phạm vì làm theo chỉ đạo của tỉnh?

Phản hồi thông tin các ki-ốt tiếp giáp dự án Panorama Nha Trang vi phạm pháp luật, không có trong phê duyệt quy hoạch của TP. Nha Trang, Yến sào Khánh Hoà cho rằng họ làm theo Thông báo của tỉnh.

Vịnh Nha Trang tố sai phạm quy hoạch ở phố đi bộ

Vụ việc “lùm xùm” ở phố đi bộ Nguyễn Thi (TP. Nha Trang) kéo dài từ năm 2018, đến nay mới tháo gỡ được một phần, theo chỉ đạo của ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, theo người dân Khánh Hòa, vụ việc vẫn còn nhiều vấn đề khuất tất.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang (Công ty VNT), đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các ki-ốt tiếp giáp dự án Panorama Nha Trang, phải gửi kiến nghị đến 4 lần, đến các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa để nhờ can thiệp.

Công văn đề nghị lần 4 (ngày 9/10/2019) của Công ty VNT nêu rõ: “Theo báo cáo của Công ty Yến sào, tại thời điểm thành lập Phố đi bộ chỉ phê duyệt 25 gian hàng, nay đã lên đến hơn 100 gian hàng và tại khu vực tiếp giáp dự án là Bãi đậu xe không cho phép mở rộng gian hàng.

Vậy, Công ty chúng tôi hiểu rằng Công ty Yến sào đang vi phạm nghiêm trọng về việc:

1. Bố trí 100 gian hàng trong khi phê duyệt chỉ có 25 gian hàng.

2. Bố trí các gian hàng kín toàn bộ các khu vực không được phép bố trí (theo sơ đồ TP. Nha Trang đang lưu giữ).

Mặc dù vậy, chúng tôi đã gửi nhiều văn bản, khẩn thiết kêu gọi lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo dứt điểm việc di dời các ki-ốt tiếp giáp mặt bố trí phương tiện PCCC của dự án, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, toàn bộ tài sản của dự án, nếu có xảy ra hỏa hoạn, nhưng đã gần 1 năm nay vẫn không được giải quyết dứt điểm”.

Các ki-ốt trên đường Nguyễn Thi

Công ty VNT cho rằng, việc tồn tại của các ki-ốt này (ki-ốt tiếp giáp dự án Panorama Nha Trang – PV) vi phạm pháp luật, không có trong phê duyệt quy hoạch của TP. Nha Trang, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của hàng ngàn du khách tại tòa nhà Panorama Nha Trang khi có xảy ra hỏa hoạn, mà mặt đường Nguyễn Thi là 1 trong những mặt tiếp giáp của xe chữa cháy.

“Chúng tôi hiểu là quyền lợi, lợi ích của các tổ chức/cá nhân trong các ki-ốt chợ đêm rất lớn nhưng không vì thế mà bỏ qua tất cả sự an toàn của hàng nghìn con người, du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi thiết nghĩ Công ty Yến sào Khánh Hòa đã hưởng quá nhiều quyền lợi trong hơn 10 năm qua, nay cần phải trả lại đúng quy hoạch của vị trí con đường Nguyễn Thi là bãi xe, là đất trống để không ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách và tài sản của dự án Panorama Nha Trang”, văn bản của Công ty VNT nêu.

Yến sào Khánh Hoà nói làm theo chỉ đạo của tỉnh

Phản hồi những thông tin trên, Trung tâm dịch vụ Phố đi bộ, thuộc Công ty Yến sào Khánh Hoà, cho rằng, việc triển khai Phố đi bộ là làm theo chỉ đạo, Thông báo của UBND tỉnh Khánh Hòa và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Cụ thể, thực hiện Thông báo số 510-TB/TU, ngày 6/11/2009 của Tỉnh ủy Khánh Hòa, về việc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, về triển khai Đề án Phố đi bộ trên địa bàn TP. Nha Trang, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã chủ động thực hiện hoàn chỉnh Trung tâm dịch vụ Phố đi bộ và chính thức đưa vào hoạt động ngày 8/01/2010. Từ khi Phố đi bộ đi vào hoạt động, TP. Nha Trang khai thác thêm một mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch mới góp phần làm phong phú hoạt động du lịch tại Khánh Hòa. Phố đi bộ là nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi đô thị, tạo không gian đi bộ, thư giãn của người dân địa phương và du khách.

“Thời điểm mới thành lập, Ban quản lý Phố đi bộ đã huy động được rất nhiều gian hàng vào đăng ký buôn bán để khai trương trước Tết Nguyên đán năm 2010, theo đúng chủ trương và kế hoạch của UBND Tỉnh. Vào lúc đó, Trung tâm dịch vụ Phố đi bộ chỉ còn 25 gian hàng. Sau một thời gian hoạt động, thực hiện Thông báo số 16/TB-UBND, Thông báo số 18/TB-UBND và Thông báo số 54/TB-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa, Trung tập Dịch vụ Phố đi bộ đã sắp xếp, bố trí các quầy bán hàng rong cho các hộ hiện đang kinh doanh dọc các đường Trần Phú, Hùng Vương, Biệt Thự thuộc phường Lộc Thọ… và các tiểu thương thuộc diện giải tỏa khu vực Chợ Đầm vào Phố đi bộ để tạo khu Phố sầm uất và nhộn nhịp hơn.

Thực hiện Thông báo số 266/TB-UBND, ngày 30/7/2012, theo Kết luận của UBND Tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ cũng đã sắp xếp thêm 21 hộ kinh doanh tại Hòn Chồng, TP. Nha Trang đang thuộc diện giải tỏa vào hoạt động tại Phố đi bộ. Đến nay, đã có hơn 100 gian hàng bày bán sản phẩm lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, áo quần, giày dép, các vật phẩm biển như ốc, sò, san hô… Trong đó, nhiều nhất vẫn là các quầy hàng đồ thủ công mỹ nghệ có xuất xứ từ các làng quê ở Nam Trung Bộ. Đó là nỗ lực lớn của Công ty Yến sào Khánh Hòa làm phong phú sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương và góp phần giải quyết công ăn việc làm của bà con trong tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ luôn cố gắng thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan tại khu vực trên đường Nguyễn Thi, theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã giao cho Công ty Yến sào Khánh Hòa”, Trung tâm dịch vụ Phố đi bộ cho biết.

Theo các chuyên gia, từ chủ trương, thông báo đến triển khai Phố đi bộ, cần phải tuân theo quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Không thể lấy mục đích tốt đẹp để biện minh cho việc “đi đường tắt”, làm sai quy trình, sai quy định pháp luật. Đây cũng là bài học mà nhiều lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Khánh Hòa đã phải trả giá, chịu kỷ luật.

Do đó, vụ việc “lùm xùm” ở Phố đi bộ Nguyễn Thi cần sớm làm rõ có hay không việc xảy ra sai phạm quy hoạch? Nếu không làm rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào, cá nhân nào, để xử lý nghiêm, thì khó có thể củng cố, lấy lại niềm tin của nhân dân địa phương cũng như các cấp lãnh đạo Trung ương, đối với chính quyền Khánh Hòa.

Theo Khánh Hòa – Quốc Đại/ Reatimes.vn

Link bài gốc: http://reatimes.vn/yen-sao-khanh-hoa-bi-to-sai-pham-vi-lam-theo-chi-dao-cua-tinh-20200407141226637.html

 

Bài cùng chuyên mục