CEO Nguyễn Ngọc Luận: Đây là thời điểm vàng để nâng tầm giá trị hàng Việt

"Nhu cầu về thực phẩm tại nhiều nước tăng cao, nhất là không thể nhập từ Trung Quốc. Cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu. Chúng tôi đang tìm mọi cách chớp thời cơ này", chia sẻ từ CEO Thương hiệu MeetMore.

CEO Thương hiệu cà phê MeetMore Nguyễn Ngọc Luận.

Trên tất cả quốc gia đang bị nhiễm Covid-19 nặng nề đều thực hiện chính sách cách ly xã hội, các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, chỉ những cửa hàng bán hàng tiêu dùng thiết yếu được mở cửa.

Dịch bệnh kéo dài cũng khiến nhiều nước đứng trước những nỗi lo về an ninh lương thực. Nước mạnh về xuất khẩu thì xuất ít đi, nước phải nhập khẩu thì cố gắng tích trữ nhiều nhất.

Tình hình nóng trong xuất khẩu gạo vừa qua là câu chuyện phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước, câu chuyện thị trường. Nhưng có lẽ ở góc độ nào đó, những người dân đất Việt đều cảm thấy hạnh phúc, tự hào và an lòng hơn nhiều người dân trên nước khác, khi mà trong bối cảnh này đất nước mình hoàn toàn được yên ổn với những hạt gạo của chính người nông dân mình trồng, được sử dụng rất nhiều mặt hàng thiết yếu với giá rẻ là sản phẩm của quê hương mình từ gà, vịt, rau, cỏ, hoa quả… cho đến chiếc khẩu trang bé nhỏ “made in Vietnam”.

Dưới góc độ của người làm kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của thương hiệu cà phê và chuỗi đồ uống MeetMore, ông cũng là người đã có rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực kết nối các doanh nhân trong nước với thị trường nước ngoài, ông Luận nhìn nhận: “Thời điểm này là cơ hội tuyệt vời để người dân Việt yêu thương, tự hào sản phẩm của Việt Nam”.

Dịch Covid-19 đang làm thay đổi, xê dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi khả năng vận chuyển hàng hoá trước đây đều bị bẻ gãy, thay thế vào đó phải là những con đường mới đang được hoạch định, “Lúc này cũng là cơ hội lớn cho hàng Việt chinh phục thị trường mới, nhất là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam”, ông Luận đã chia sẻ với BizLIVE.

Trong những ngày qua, điều gì khiến ông nghĩ đến nhiều nhất?

Dịch bệnh Covid-19 ập đến, cũng giống như bao người, tôi ở nhà và làm việc online. Cũng không đến nỗi tệ, dù làm việc online nhưng công ty chúng tôi đã ký được mấy hợp đồng lớn xuất sản phẩm cà phê MeetMore đi các nước như Mỹ, Úc…

Trong bối cảnh này, nhu cầu về lương thực, thực phẩm, đồ uống, những mặt hàng thiết yếu là rất lớn ở nhiều quốc gia.

Cũng từ thực tế đó khiến tôi nghĩ nhiều hơn về cơ hội đối với hàng nông sản ở Việt Nam. Đất nước chúng ta có thể coi à “thiên đường” của các sản phẩm nông nghiệp, dù rằng không phải là tất cả đều thuận lợi vì hạn hán, lũ lụt và ngập mặn là những nỗi lo thường trực.

Hiện chúng ta đang có nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn trên thế giới như gạo, tiêu, điều, cà phê… gần đây thì các loại hoa quả đang dần khẳng định thương hiệu tốt như chanh leo, thanh long, vải, nhãn… Nhưng câu chuyện về cần thiết nâng tầm giá trị thương hiệu cho nông sản Việt thì tôi thấy bàn thảo rất nhiều mà chưa có phép giải thoả đáng.

Vậy có nên xem thời điểm này là cơ hội vàng hay không? Đây là điều khiến tôi trăn trở khi mà tại đất nước chúng ta thời gian qua vẫn liên tiếp diễn ra các cuộc giải cứu từ dưa hấu, thanh long… ngay trong thời kỳ không có dịch bệnh.

Sản phẩm cà phê Việt Nam được ưa chuộng tại nước ngoài.

Vì sao ông nghĩ đây là cơ hội vàng?

Thời gian này tôi đang kẹt tại Úc chưa về được Việt Nam. Kẹt và làm việc từ rất xa mà hàng hoá của chúng tôi sản xuất vẫn không kịp xuất đi do nhu cầu của thị trường các nước tăng cao.

Tại Úc, Chính phủ cũng đưa ra chính sách hạn chế nhập khẩu, ưu tiên dùng hàng trong nước. Mà hàng thực phẩm thiết yếu bày bán ở siêu thị thì nhập khẩu từ Trung Quốc rất nhiều. Người dân Úc đang có phong trào không sử dụng hàng Trung Quốc. Hiện nay hàng Việt Nam còn khiêm tốn.

Trong đợt dịch này, với những khó khăn của thị trường nội địa thì một số thị trường xuất khẩu lại thuận lợi vì lượng nhu cầu về thực phẩm nông sản của các nước tăng cao, nhất là không thể nhập từ Trung Quốc được. Cộng với một số nhà nhập khẩu các nước họ tính được là sau dịch thì nhu cầu tiêu dùng của nước họ sẽ tăng đột biến sau thời gian bị cách ly toàn xã hội, do đó họ đã phải lên kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, nông sản từ lúc này. Những nước như Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu.

Phải xem đây là cơ hội của quốc gia mình. Chúng tôi, những doanh nhân đang ở bên này vừa rồi cũng tổ chức họp trực tuyến, trước mắt khuấy động phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, người Việt cần tự hào và ủng hộ hàng Việt trước, có 1 triệu dân mình đang sống tại đây. Chúng tôi bàn cách mang được hàng của Việt Nam qua đây nhiều hơn, tranh thủ chiếm lĩnh thị trường.

Thị trường nông sản Việt trước giờ rất bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá xảy ra liên tục, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến hiện tượng “giải cứu” ngày một nhiều. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, nhất là trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi vào Trung Quốc, nên chiếm tỷ trọng khá lớn, chỉ một thay đổi nhỏ ở thị trường hơn 1 tỷ dân này hàng nông sản Việt lại bị ùn ứ tại các cửa khẩu. Khi đó chúng ta lại phải giang tay “giải cứu”, nhưng điều đó thực sự không bền vững. Vì vậy, việc mở rộng thị trường mới, tận dụng các hiệp định thương mại tự do là rất cần thiết.

Trước đây sản phẩm Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế nhưng lại dưới thương hiệu của Thái Lan, Trung Quốc,… Vì vậy, khi đi ra nước ngoài, nếu thấy sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam chúng ta sẽ thấy vô cùng xúc động, tự hào và hạnh phúc. Ngay lúc này, tôi có ước nguyện và mong muốn lá cờ Việt Nam được cắm trên hàng nông sản Việt tại các siêu thị Úc thay vì cờ Trung Quốc, Thái Lan…

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, mấy năm nay chất lượng cũng như năng suất những sản phẩm nông sản, hoa quả của chúng ta đã thay đổi tích cực rõ rệt. Giờ câu chuyện rất cần quan tâm là chế biến và thị trường.

Tôi chỉ nghĩ rất đơn giản và thực tế với câu chuyện của mình, như các sản phẩm cà phê của MeetMore, nếu tôi lựa con đường cà phê truyền thống như Vinacafe hay Trung Nguyên thì chắc chắn tôi đã rất vất vả và chưa chắc đã thành công.

Tôi lựa chọn sản xuất cà phê hoà tan trái cây, rau củ quả. Sản phẩm là các loại cà phê hoà tan trái dừa, xoài, nhàu, khoai môn… Việt Nam có bao nhiêu loại rau củ quả thì tôi sẽ có bấy nhiêu loại cà phê. Và như vậy, chúng tôi được thị trường đón nhận nhanh chóng, cả trong nước và nước ngoài, Hàn Quốc, Úc và Mỹ đều thích sản phẩm này. Cũng là một cách mang thương hiệu nông sản Việt Nam ra bên ngoài hiệu quả.

Các sản phẩm cà phê của MeetMore bán tại siêu thị nước ngoài.

Để thương hiệu nông sản Việt Nam có chỗ đứng trên trường quốc tế, theo quan điểm của ông việc cần thiết trước tiên phải làm là gì?

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt phải có chiến lược cụ thể, mang tính bền vững, lâu dài. Để làm được điều này phải có sự vào cuộc từ Chính phủ, các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, sự ủng hộ của người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhưng trước tiên, hãy phát huy tinh thần nội lực. Covid-19 đã làm thay đổi tư duy của mỗi chúng ta. Giai đoạn này rất cần mỗi người Việt chúng ta là một đại sứ cho các sản phẩm của chính chúng ta làm ra.

Người Việt sẽ là người tiêu dùng đầu tiên được thưởng thức những sản phẩm ngon nhất, giá thành hợp lý nhất do Việt Nam sản xuất.

Thời điểm này không chỉ thông điệp “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cần phát huy mà chúng ta phải thấy tự hào vì người Việt dùng hàng Việt.

Để phát huy nội lực một cách tốt nhất, bản thân các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới nhất để phát triển sản phẩm, quản lý doanh nghiệp, tiên phong trong nắm bắt thị trường, tìm kiếm cơ hội mới thì mới mong tồn tại được.

Thế giới sau đại dịch sẽ thay đổi, tôi tin khi chúng ta vượt qua được cơn bão này sẽ có nhiều cơ hội mở ra, quan trọng là chúng ta tận dụng và phát huy cơ hội ấy như thế nào cho phù hợp với từng cá nhân, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hải Tiến/BizLIVE.vn

Link bài gốc: //bizlive.vn/kinh-doanh/ceo-nguyen-ngoc-luan-day-la-thoi-diem-vang-de-nang-tam-gia-tri-hang-viet-3542142.html

 

Bài cùng chuyên mục