Bộ Xây dựng muốn “siết” bất động sản cao cấp, doanh nghiệp không đồng tình
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bất động sản, giai đoạn này nên khuyến khích mọi phân khúc để thúc đẩy đầu tư và thị trường khỏi khó khăn.
Theo Báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất cần kiểm soát chặt việc cấp phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nhằm cân đối cung cầu, tránh tình trạng tồn kho.
Siết cấp phép dự án cao cấp mới
Bộ Xây dựng lý giải, trong năm 2020, thị trường bất động sản dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và suy giảm cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch. Phân khúc có nguồn cầu lớn như nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đang rất thiếu, trong khi đó nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa.
Bộ Xây dựng cho rằng, nhu cầu nhà ở phân khúc từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm khoảng 20-30%, trong khi đó nhu cầu về nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 – 80%.
Việc này dẫn đến cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu, thị trường phát triển theo hướng dư thừa nhà ở cao cấp nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, hiện tại giá bất động sản đang chưa phản ánh đúng giá trị thực của sản phẩm bất động sản, giới đầu cơ vẫn đang lợi dụng quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng để đẩy giá, làm lũng loạn thị trường.
Ngoài ra, tại buổi báo cáo, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị tăng cường rà soát, thanh, kiểm tra, xử lý các dự án bất động sản sai phạm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; công khai các dự án đang thế chấp ngân hàng; các dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chậm tiến độ; chưa nghiệm thu; các chủ đầu tư chậm trễ trong cấp sổ đỏ cho cư dân.
Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ các dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa, quyết định điều chỉnh quy hoạch hoặc thu hồi dự án sau khi thẩm định rõ năng lực chủ đầu tư.
Để thị trường quyết định
Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, ông Phạm Đức Toản – Chủ tịch HĐQT Ez Land cho rằng, giai đoạn này nên khuyến khích mọi loại hình để thúc đẩy đầu tư và thị trường khỏi khó khăn và để các nhà đầu tư lựa chọn hướng, phân khúc mà họ hướng đến.
“Các cơ quan quản lý nên hỗ trợ và điều chỉnh thị trường bằng chính sách pháp luật quy định chứ không nên áp đặt theo cảm tính. Nếu muốn thúc đẩy nhà ở xã hội hoặc nhà ở giá trung bình thì nên đưa ra chính sách hỗ trợ, không nên thực hiện kiểu cấm cái này để phát triển cái khác” – ông Toản bày tỏ quan điểm.
Theo tìm hiểu của PV, từ nửa cuối năm 2019, phân khúc nhà ở trung và cao cấp đều ghi nhận mức hấp thụ tốt. Cụ thể, theo Báo cáo quý II/2019 của Hội môi giới Bất động sản, tại thị trường Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới nhiều nhất ở phân khúc căn hộ trung cấp có giá từ 25 – 35 triệu đồng/m2 với hơn 5.700 căn hộ, lượng giao dịch thành công đạt 4.200 căn, đạt tỷ lệ cao nhất trong tất cả các phân khúc.
Trong khi đó, tại TP.HCM cũng ghi nhận 4.500 căn hộ trung cấp mới được đưa ra thị trường, giao dịch thành công hơn 3.400 căn hộ. Về phân khúc căn hộ cao cấp TP.HCM cũng đón hơn 1.700 căn hộ, giao dịch thành công hơn 1.300 căn hộ, trong khi tại Hà Nội, số lượng căn hộ cao cấp mới đưa ra thị trường chỉ là hơn 500 căn hộ, giao dịch thành công đạt gần 300 căn hộ.
Cũng theo báo cáo tình hình hoạt động thị trường bất động sản của Hội Môi giới, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID – 19, lượng giao dịch giảm, lượng hấp thụ kém, nhưng các phân khúc thị trường bất động sản đều chưa ghi nhận trường hợp nào giảm giá.
Tương tự, theo báo cáo Quý I/2020 của CBRE, tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận số lượng căn hộ mở bán mới thấp hơn hẳn so với quý trước, tuy nhiên mức giá đều ghi nhận tăng 1 – 2% theo quý. Trong đó, mức giá tăng này chủ yếu đến từ các dự án mới mở bán tại phân khúc trung cấp có mức giá cao hơn mặt bằng khu vực từ 15 – 30%.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Vượng – Phó TGĐ Công ty CP Bất động sản SACO, phân khúc bất động sản cao cấp gồm chung cư cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản xanh đang là những xu hướng mới của người tiêu dùng.
“Ngoài ra, sau 5 năm thí điểm, có đến hàng nghìn trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là căn hộ cao cấp. Nếu chính sách này được “nới” thêm sẽ tạo xung lực thúc đẩy phân khúc căn hộ này phát triển” – ông Vượng chia sẻ với DĐDN.
Theo Diệu Hoa/ Diễn đàn Doanh nghiệp
Link bài gốc: https://enternews.vn/bo-xay-dung-muon-siet-bat-dong-san-cao-cap-doanh-nghiep-khong-dong-tinh-172063.html