TP.HCM lo ngại tình trạng sốt bất động sản
Lo ngại về một làn sóng sốt bất động sản mới tại TP.HCM, Ủy ban Nhân dân Thành phố vừa chỉ đạo Sở Xây dựng theo dõi diễn biến của thị trường.
Tránh xảy ra sốt đất và bong bóng bất động sản tại TP.HCM
Trước lo ngại tình trạng sốt bất động sản sẽ bùng phát và nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh, Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Xây dựng theo dõi diễn biến của thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến thị trường bất động sản.
Sở Xây dựng cũng được yêu cầu tham mưu giải quyết chuyển đổi đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn.
Sở Xây dựng được giao báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nếu khai thác không hiệu quả.
Không những vậy, Sở Xây dựng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
Giá đất không giảm trong mùa dịch ở cả TP.HCM và Hà Nội
Thị trường bất động sản gặp khó khăn do bị siết theo Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2020 về việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản.
Trong quý I/2020, tổng sản phẩm nhà ở chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Lượng giao dịch là 7.641 sản phẩm với tỉ lệ hấp thụ đạt 14,3%. Đây là lượng giao dịch thấp nhất trong 4 năm qua.
Mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, trong tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với các từ khóa liên quan đến nhà ở như “bất động sản”, “căn hộ chung cư”, “dự án nhà ở” đều tăng. Với từ khóa “chung cư”, thời điểm cuối tháng 3.2020, lượng tìm kiếm thậm chí còn vượt mốc cao nhất của năm 2019. Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam hiện ở mức cao, nhu cầu nhà ở cao. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua tại đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM các dự án bất động sản chậm được triển khai do các đợt thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. Nguồn cung đầu vào của thị trường bất động sản đang chững lại, thiếu nguồn cung.
“Dù dịch COVID-19 nhưng giá không xuống do khan hàng nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì đây là nhu cầu ở thực. Người mua cũng có tâm lý nghe ngóng khi dịch bệnh nhưng nhu cầu nhà ở là thực. Thị trường bất động sản đang tồn tại một thực tế vô lý là dịch bệnh, giao dịch giảm nhưng giá không giảm. Điều này do nguồn cung thiếu”, ông Điệp chia sẻ với báo chí.
Thị trường bất động sản quý II?
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều trong thời gian tới. Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao. Thị trường nhà đất và đất nền vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.
Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng không nhiều. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh) buộc chủ đầu tư phải giảm giá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
Một số chuyên gia tài chính bất động sản cho rằng, dịch COVID-19 có thể được xem là bài kiểm tra đối với nền kinh tế, môi trường sống và hệ thống y tế tại Việt Nam. Điều này sẽ có tác động lớn đến các quyết định đầu tư từ nước ngoài và đặc biệt là một lượng kiều hối lớn có thể đổ về sau khi dịch bệnh qua đi.
Theo Minh Anh/ Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/tphcm-lo-ngai-tinh-trang-sot-bat-dong-san-3334758/