COVID-19: Trà sữa “soán ngôi” cơm, trở thành món được đặt nhiều nhất

Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì COVID-19, việc học sinh tạm rời trường học, nhân viên văn phòng tạm rời công sở, trà sữa đã “bứt phá” trở thành lựa chọn số 1 của người dùng GrabFood trong mùa dịch. Cơm rơi xuống vị trí số 2, trong khi các món ăn khác vẫn giữ nguyên thứ tự.

Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam, nhưng mặt khác lại đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người Việt.

Thông tin thú vị từ dữ liệu tổng hợp của nền tảng Grab trên mang đến một góc nhìn về những thay đổi thú vị diễn ra trong thời gian vừa qua. Dữ liệu được thống kê tại thời điểm giữa tháng 10/2019 – trước dịch COVID-19 so với giữa tháng 4/2020 – trong dịch COVID-19. Dữ liệu này cho thấy trong giai đoạn chống dịch này, thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi ra sao, họ lựa chọn mua sắm, ăn uống thế nào,…

Đồ ăn nhanh phổ biến

Dữ liệu trên GrabFood cũng cho thấy trong dịch COVID-19, người dùng Việt có vẻ thích ăn ngọt hơn hẳn trước đó. Số lượng đơn hàng các món tráng miệng trong dịch COVID-19 tăng đến 52% so với thời điểm trước khi có dịch và đây cũng là mức tăng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Tương tự thói quen mua sắm trực tuyến, thói quen đặt món trực tuyến trong mùa dịch COVID-19 của người dùng Việt cũng có những thay đổi đáng kể so với trước đó. Với yêu cầu hạn chế di chuyển, trường học tạm đóng cửa,… các đối tác giao nhận thức ăn của Grab đã hoạt động năng nổ hơn bao giờ hết để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ăn uống hằng ngày của người dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Ảnh minh họa.

Trước COVID-19, hệ thống của Grab ghi nhận cơm là món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng GrabFood. Trà sữa xếp thứ 2 trong danh sách, tiếp tục là thức uống yêu thích của người trẻ tuổi và dân văn phòng. Xếp ngay sau trà sữa là bún, mì, thức ăn nhanh, trà, cà phê,… vốn là những món ăn quen thuộc, phổ biến với mọi người.

Thói quen sử dụng tiền mặt thay đổi mạnh mẽ

Xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở thành yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, khi từ người dùng và các doanh nghiệp đều chọn lựa các phương thức thanh toán trực tuyến để đảm bảo giao dịch an toàn trong mùa dịch.

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến. Theo dữ liệu của Moca – đối tác chiến lược của Grab – số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.

Cũng theo đối tác Moca, nhìn trên tổng thể các dịch vụ của Grab, trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.

Dịch COVID-19, sự tử tế, tốt bụng được lan tỏa

Giữa muôn vàn khó khăn trong dịch COVID-19, những tấm lòng tử tế và tinh thần “lá lành đùm lá rách” vẫn lan tỏa ấm áp khắp mọi nơi. Từ những điểm phát miễn phí khẩu trang y tế, tặng dung dịch rửa tay sát khuẩn cho đến ATM gạo,… mọi người cố gắng san sẻ nhiều hơn để giúp nhau vượt qua đại dịch.

Dữ liệu của Grab cũng ghi nhận, số lượng chuyến xe và đơn hàng mà đối tác tài xế Grab nhận được “tip” trong dịch COVID-19 đã tăng 23% so với trước khi có dịch. Khoản tiền “tip” không chỉ là lời cảm ơn về mặt vật chất mà còn là sự động viên đầy ý nghĩa về mặt tinh thần để các bác tài tiếp tục tận tụy với những cuốc xe trong mùa dịch.

Nguồn Anh Lê/ VietTimes 
Bài cùng chuyên mục