Dự kiến TP.HCM sáp nhập 3 quận, chỉ còn 22 quận huyện

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có Tờ trình hoàn chỉnh phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021.

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có Tờ trình hoàn chỉnh số 1932/TTr-SNV phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021.

Tờ trình này được hoàn chỉnh trên cơ sở nội dung buổi làm việc của Chính phủ với TP.HCM ngày 8/5/2020; trong đó, giữ nguyên phương án sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường và bổ sung sắp xếp, sáp nhập 3 quận gồm Quận 2, quận Thủ Đức, Quận 9 để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP.HCM (tạm gọi là thành phố phía Đông).

Ảnh minh họa.

Về nội dung cụ thể, thành phố dự kiến sáp nhập 3 quận (gồm Quận 2, 9 và Thủ Đức) để hình thành 1 đơn vị hành chính mới tạm gọi là thành phố phía Đông. Lý do là để xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng…).

Do đó, việc sáp nhập 3 quận và hình thành thành phố phía Đông để trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.

Ngoài ra, việc quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác phía Đông thành phố cũng phù hợp với định hướng phát triển không gian Vùng TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 và các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, cả 3 quận đều đạt 100% tiêu chuẩn dân số và diện tích. Sau khi sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, có tiêu chuẩn quy mô dân số hơn 1 triệu người, diện tích tự nhiên gần 212 km2.

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tại Quận 2 dự kiến sáp nhập phường An Khánh, phường Thủ Thiêm; sáp nhập phường Bình Khánh vào phường Bình An. Lý do là các phường nói trên đều là phường giải tỏa trắng hoặc giải tỏa một phần trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có vị trí tiếp giáp nhau, đều được tách ra từ xã An Khánh thuộc huyện Thủ Đức cũ, nên việc sáp nhập với nhau sẽ thuận lợi, đồng bộ sau khi hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại Quận 3, dự kiến thành phố sẽ sáp nhập Phường 6 với Phường 7 và Phường 8; Quận 4 dự kiến sẽ sáp nhập Phường 5 với Phường 2, sáp nhập Phường 12 với Phường 13. Tại Quận 5 dự kiến sẽ sáp nhập Phường 12 và Phường 15; tại Quận 10 dự kiến sáp nhập Phường 3 với Phường 2, còn tại quận Phú Nhuận dự kiến sáp nhập Phường 12 với Phường 11.

Như vậy dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ giảm từ 24 xuống còn 22 quận huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 phường, xã, thị trấn (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Hiện TP.HCM có 24 quận huyện với 322 phường, xã và thị trấn. Đối chiếu theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Quốc hội, đối chiếu cả 2 tiêu chuẩn dân số và diện tích chỉ có 6 quận đạt tiêu chuẩn gồm Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức.

Theo BP (tổng hợp)/ Báo Điện tử Dân Sinh

Link bài gốc: //baodansinh.vn/du-kien-tphcm-sap-nhap-3-quan-chi-con-22-quan-huyen-20200520142456257.htm

 

Bài cùng chuyên mục