Từ nhà giá thấp đến nhà ở xã hội

Tại cuộc họp báo về tình hình thị trường bất động sản nửa đầu năm do Bộ Xây dựng tổ chức tuần qua, thông tin bộ này đang thúc đẩy cơ chế để tạo lập các dự án nhà ở thương mại có giá dưới 20 triệu đồng/m2 lập tức gây sự chú ý cao của các cơ quan thông tin đại chúng.

Ảnh: Internet

Cụ thể, trong quý III tới đây, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2 có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (bao gồm cả VAT).

Nếu điều này trở thành sự thật thì quả là tin đáng mừng cho phần lớn những người có nhu cầu nhà ở hiện tại, bởi nhà thương mại dưới 20 triệu đồng/m2 ở khu vực đô thị hiện tìm đỏ mắt cũng không ra.

Tuy nhiên, trò chuyện với các chủ đầu tư về “tin mừng” này, đa phần đều e dè không muốn phát ngôn. Phần vì họ cũng ghi nhận nỗ lực đưa ra các giải pháp của cơ quan điều hành thị trường, giải pháp mới ở diện đề xuất mà đã “ném đá” thì cũng không đành lòng. Nhưng phần lớn đều cho rằng, với diễn biến vài năm qua và bối cảnh hiện tại thì “mơ ước chỉ là ước mơ thôi”.

Đại diện một chủ đầu tư chuyên hướng đến đối tượng khách hàng trẻ cho rằng, có 4 yếu tố cầu thành giá bán là chi phí đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính và kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu giá bán 20 triệu đồng/m2 thỏa mãn được 4 yếu tố này doanh nghiệp nào cũng muốn làm vì chắc chắn sản phẩm ra đến đâu bán hết đến đấy.

“Tuy nhiên, nếu không cởi bỏ được ma trận thủ tục được thì đừng mong giảm giá nhà”, vị này nói.

Một điều nữa khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ mục tiêu phát triển nhà thương mại giá rẻ là khi họ nhìn sang câu chuyện về nhà ở xã hội. Dù là một trong những trọng tâm của Chiến lược nhà ở quốc gia, dù có rất nhiều cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để tạo động lực, nhưng có lẽ chương trình phát triển loại hình nhà ở mang nặng tính an sinh này đã thất bại.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội đến nay mới đạt 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Cụ thể, đến nay cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp. Hiện đã có 248 dự án hoàn thành với quy mô khoảng 103.500 căn hộ; 264 dự án đang triển khai với quy mô 216.500 căn hộ. Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Nhìn cụ thể các dự án nhà ở xã hội đang triển khai cũng “đọc ra” một loạt vấn đề!

Hiện nay, hầu như các chủ đầu tư được “toàn quyền” tiếp nhận, thông qua các hồ sơ mua nhà ở xã hội. Trong khi khâu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý lại luôn là điểm yếu. Thực tế này dẫn đến việc mua bán suất, ăn chênh trở nên phổ biến.

Trên thực tế, vẫn còn đó câu chuyện nhà ở xã hội bán cho người giàu, điển hình là trường hợp 3 người nhà của ông Lục Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BIC Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Rice City (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai) được xét duyệt mua nhà tại dự án này.

Theo tìm hiểu của người viết, chiêu bài của một số chủ đầu tư là một mặt vẫn tiến hành mở bán, thu nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua bình thường. Cùng với đó, các chủ đầu tư sẽ phối hợp với các sàn giao dịch bất động sản để thực hiện rao bán quyền mua căn hộ, quyền mua và chọn căn hộ. Mức giá thường dao động trong khoảng 40 – 50 triệu đồng/quyền mua; từ 90 – 150 triệu đồng/quyền mua +chọn căn hộ.

Số lượng hồ sơ, chấm điểm hồ sơ là điều khách hàng không nắm được. Do đó, sau khi hoàn thiện và nộp hồ sơ, cơ bản mà nói, việc còn lại của khách hàng chỉ là cầu may. Chủ đầu tư khi đó sẽ bắt đầu rò rỉ thông tin về việc số hồ sơ quá nhiều, trong khi số căn mở bán có hạn và phần lớn đã có những hồ sơ đủ điều kiện mua. Khi này, khách hàng bị tung vào ma trận thông tin, dao động. Nhiệm vụ của các sàn lúc này là “chốt sale” bằng cách tiếp cận người mua có nhu cầu, rỉ tai về việc có suất bán…

Đáng nói là tình trạng này diễn ra ở hầu hết các dự án nhà ở xã hội, trong khi có rất ít vụ việc được “lộ sáng”, cho thấy từ mục tiêu tốt đẹp của cơ quan điều hành thị trường đến thực tế cuộc sống dường như đang là một khoảng cách quá xa.

 

NguồnThành Nguyễn/ Báo Đầu tư Bất động sản (Tinnhanhchungkhoan.vn)
Bài cùng chuyên mục