Big C từng có khuynh hướng “đẩy” hàng may mặc bằng cách tăng chiết khấu

Theo ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM – đúng là từ việc Central Group cơ cấu lại các ngành hàng là lý do dẫn tới siêu thị Big C tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.

 

Doanh nghiệp ngoại “ăn mặn”

Cụ thể, ông Hồng đánh giá, về xu hướng, Central Group muốn thu hẹp mặt bằng của các mặt hàng may mặc và mở rộng các mặt hàng khác, ví dụ như họ dành cho Nguyễn Kim để bán điện máy. Mặt khác, từ lâu, có vẻ như Central Group có khuynh hướng đẩy mặt hàng may mặc đi, nên đã tăng thu chiết khấu lên, từ 15%, 20%, tới 30%, khiến doanh nghiệp Việt khó đáp ứng.

Hàng may mặc Việt khi vào Big C cũng có nhiều vấn đề. Các thương hiệu may mặc lớn ở Việt Nam như Việt Tiến, An Phước…rất hạn chế tham gia vào hệ thống siêu thị Big C. Chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ, với thương hiệu không rõ lắm, nói là hàng Thái, nhưng lại sản xuất ở quận Tân Bình, nên có lẽ chất lượng không tốt lắm.

Theo ông Hồng, các hội viên của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM ít tham gia Big C, chỉ có Công ty may Quốc tế Thắng Lợi là cung cấp chăn, ga, áo gối. Còn các hàng may mặc khác phần lớn là thuộc các cơ sở sản xuất nhỏ.

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM

Mặt khác, theo ông Hồng, động thái tạm ngưng thu mua hàng may mặc của các nhà cung cấp Việt Nam có lý do chính từ việc Central Group cơ cấu lại ngành hàng của Big C. “Nếu hàng của mình vẫn bán được, vẫn hiệu quả thì họ sẽ bán, vì họ làm kinh doanh. Như vậy có thể hàng của mình dần dần sức tiêu thụ thấp, nên họ thay đổi chứ không phải họ phân biệt hàng Thái, hàng Việt đâu” – ông Hồng nói.

Ở góc độ vĩ mô, ông Hồng cho biết chính doanh nghiệp Việt cũng chịu để doanh nghiệp Thái mua rồi chi phối. Trong khi bản thân doanh nghiệp Việt thì thương hiệu cũng không rõ ràng. Làm cho tình hình trở nên phức tạp.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – có hai vấn đề về pháp luật và kinh tế liên quan tới câu chuyện Big C tạm ngưng hợp đồng với doanh nghiệp dệt may Việt. Trong đó, các hợp đồng giữa Big C và doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa rõ ràng. nên chưa thể đánh giá về pháp lý.

Mỗi siêu thị có một kế hoạch kinh doanh, quy tắc của họ, các doanh nghiệp khi đưa hàng vào Big C phải tự thỏa thuận các điều khoản liên quan tới lợi ích của mình. Nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh, các hệ thống phân phối của nước ngoài yêu cầu rất gắt gao. Yêu cầu chiết khấu cho họ cũng cao hơn. Đồng thời doanh nghiệp Việt phải chịu thêm các áp lực về khuyến mãi do doanh nghiệp ngoại đặt ra.

Doanh nghiệp nội đuối sức

Về thời gian thanh toán. nếu doanh nghiệp Việt thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ khi giao hàng, doanh nghiệp ngoại thì có khi từ 30 ngày đến 45 ngày mới thanh toán. Do đó dòng vốn sẽ bị kẹt, nên đối với doanh nghiệp Việt rất khó tham gia.

Về thực tế, ông Hưng nhận xét hiện chỉ có thư thông báo của Big C gửi cho các doanh nghiệp dệt may Việt, giải thích việc tạm ngưng này là theo chỉ thị của Central Thái Lan. Dù chưa đánh giá về việc doanh nghiệp Thái có vi phạm hợp đồng không, nhưng tổn thất của doanh nghiệp Việt là chắc chắn sẽ có.

“Doanh nghiệp dệt may đã có kế hoạch sản xuất, rồi phải đặt vải, thuê nhân công…và họ đã làm cả 6 tháng đến 1 năm trước đó. Việc Big C tạm ngưng bất ngờ thì họ trở tay không kịp, không lẽ ngưng sản xuất và còn công nợ, nhân công, mặt bằng… ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp. Mà theo Luật Dân sự quy định, ai gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường” – ông Hưng nhận xét.

Thứ hai, là có hay không có việc vi phạm luật cạnh tranh (tức là cạnh tranh không lành mạnh)? – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đặt câu hỏi. Ông Hưng tiếp tục gieo vấn đề, trong Luật Cạnh tranh, điều 11 có nêu về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tức là thỏa thuận giữa Big C với các doanh nghiệp hàng Thái Lan hay không, để đẩy hàng Việt Nam ra và đưa hàng Thái Lan vào?.

Nếu có thoả thuận này, thì đã vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đều này bị cấm. Trong điều 11 có nhiều khoản cấm, chẳng hạn như khoản 4,5,6 cấm thỏa thuận để một bên hay các bên thỏa thuận, thắng thầu, tham gia thầu, cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay là thỏa thuận ngăn chặn, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường…

Về góc độ kinh tế, ông Hưng cho biết hiện các hệ thống phân phối cao cấp của nước ngoài đầu tư và đã chiếm trên 50% các hệ thống trong phân phối hiện đại của Việt Nam. “Đây là điều mà chúng ta không làm chủ được. Do đó, chắc chắn có sự ưu tiên cho hàng của người ta” – ông Hưng nói, và cho biết “Trước đây, Saigon Co.op cũng rất muốn mua Big C nhưng với giá 1 tỷ USD, lại phải làm thủ tục chuyển ra nước ngoài thì nhiều thủ tục khó quá nên không mua nữa”.

Thời điểm, Central Group chưa mua Big C, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng đã thấy vấn đề này rồi và đã có báo cáo. Bản thân ông Hưng cũng báo cáo cho Ban kinh tế Trung ương Đảng về vấn đề hệ thống phân phối. Mà vào thời điểm đó, gia nhập WTO còn có những hạn chế về lợi thế kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, cũng ông Hưng cho biết sau đó phía Việt Nam cũng không hạn chế được vấn đề này, để cho doanh nghiệp ngoại vào ngày càng nhiều. “Sắp tới tình hình sẽ căng hơn nhiều, nếu lực lượng, hệ thống phân phối của mình không mạnh. Trong khi hàng hóa của họ tốt, họ sẽ giành hết thị trường và lúc đó doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà” – ông Hưng nói.

Do đó, Bộ Công Thương phải nghiên cứu ngay về việc có hay không cạnh tranh không lành mạnh. “Đừng đợi doanh nghiệp nộp đơn lên rồi mới nghiên cứu mà phải bắt tay vào cuộc ngay để xem xét vấn đề này” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cảnh báo.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp Việt mở hệ thống phân phối như Tổng công ty thương mại Sài Gòn, Tổng công ty thương mại Hà Nội…lúc đó các doanh nghiệp Việt Nam mới có hệ thống phân phối tốt, không phụ thuộc vào hệ thống phân phối của nước ngoài.

“Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp Việt cũng cần phải xem lại mình, tức là hàng hóa của anh có đáp ứng chất lượng hàng hóa, mẫu mã để tồn tại trong các siêu thị cao cấp hay không. Vì những sàn phẩn tốt, bán chạy thì siêu thị nào cũng nhận chứ không phải chỉ hàng Thái Lan. Nếu quầy kệ của mình trưng một cái áo, để cả năm không ai mua thì chắc chắn họ không cho mình bán nữa” – ông Hưng cảnh báo.

Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – ngày 4/7, Bộ đã làm việc với lãnh đạo Central Group về việc dừng nhập hàng của doanh nghiệp Việt.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Central Group cho biết, nguyên nhân chủ yếu là từ việc tập đoàn thay đổi chiến lược kinh doanh. Sắp tới, tại Việt Nam, Central Group sẽ thu hẹp một số siêu thị Big C, đồng thời với việc khai trương chuỗi bán lẻ mang thương hiệu Go!Market.

Central Group sẽ tập trung vào các mặt hàng cao cấp hơn, tái cấu trúc lại tài chính, cung ứng và layout tại các cửa hàng mang thương hiệu Go!Market.

Theo ông Đông, tại buổi làm việc, Central Group khẳng định cam kết ưu tiên mua hàng Việt vào hệ thống phân phối của tập đoàn. Trong ngày 4/7, tập đoàn sẽ ký lại đơn hàng cho 50/200 nhà cung ứng vừa tạm dừng đơn hàng trước đó. Trong 2 tuần tới, tập đoàn sẽ ký thêm để 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục cung ứng hàng vào Big C.

Tuy nhiên, sẽ có 50 nhà cung ứng còn lại phải chịu kiểm tra về điều kiện sản xuất, cung ứng hàng hóa nhằm đảm bảo hàng vào Big C phải có chất lượng, mẫu mã, giá cả… tốt nhất. Việc kiểm tra do phía Central Group, Big C và Vụ Thị trường trong nước, Hiệp hội Dệt may tiến hành.

Theo khoahocdoisong.vn

Bài cùng chuyên mục