45 tuyến đường tại 11 quận, huyện TP.HCM sắp có tên mới
45 tuyến đường này thuộc các quận 2, 3, 7, 9, 12, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Trong đó 44 tuyến đường được đặt tên mới và 1 tuyến đường được đổi tên.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xem xét, có ý kiến về việc đặt mới, đổi tên đường trên địa bàn TP.HCM đối với 45 tuyến đường theo tờ trình của Hội đồng đặt đổi tên đường TP.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao, cơ quan thường trực Hội đồng đặt đổi tên đường TP đã trình UBND TP xem xét, đề nghị HĐND TP thông qua việc đặt tên đường mới cho 44 tuyến đường và đổi tên 1 tuyến đường trên địa bàn các quận 2, 3, 7, 9, 12, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Hầu hết các tuyến đường sẽ được đặt tên mới là những đường hiện được đặt tên tạm theo dự án, tuyến hẻm, tuyến kênh.
Cụ thể: Tại quận 2, đường tạm 3 – BK theo dự án đường D1, sẽ đổi thành An Tư Công Chúa; đường tạm 4- BK theo dự án đường D2, sẽ đổi thành Lưu Đình Lê.
Tại quận Bình Thạnh, đường Dự án cống hộp Phan Văn Hân, đổi thành Trần Văn Khê.
Tại quận 12 các đường Đông Hưng Thuận 30 đổi thành Nguyễn Thị Gạch; Tân Thới Hiệp 7 thành đường Trương Thị Hoa; đường Thới An 21 thành Nguyễn Thị Xinh.
Tại quận Tân Phú, đường hẻm 15 Cầu Xéo thành đường Hà Thị Đát; hẻm 105 Chu Thiên thành đường Trần Thị Sa…
Tuyến đường duy nhất được đề xuất đặt tên mới là đoạn Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) sẽ đổi thành Lê Văn Duyệt.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, hầu hết các tuyến đường đặt tên mới đều đáp ứng quy định điều kiện đặt tên đường (có chiều dài tối thiểu 200m, lộ giới tối thiểu 12m trở lên…), đã được tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, người dân, địa phương và được sự thống nhất cao.
Riêng tuyến đường T11 của huyện Bình Chánh đề xuất mang tên Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Dậu, sẽ được đổi thành tên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (vì đoạn đường này đi qua khu Trung tâm Y tế kỹ thuật cao) sẽ phù hợp hơn. Đường Xóm Hố (huyện Bình Chánh) là địa danh quen thuộc, gắn với địa phương, ăn sâu tiềm thức người dân nên vẫn giữ nguyên, không đổi thành tên Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tiếp như đề xuất.