Bất động sản nghỉ dưỡng chờ sức cầu ngoại
Việc đề xuất cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng nếu được chấp thuận sẽ là cú huých lớn cho phân khúc này.
Chờ làn sóng mới
Kể từ khi bùng nổ vào năm 2015, bất động sản nghỉ dưỡng đến nay đã phát triển rất mạnh mẽ với đa dạng các loại hình sản phẩm, từ biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, nhà phố…
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến nay, quy mô thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vào khoảng 23 tỷ USD, với khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch và 15.663 căn nhà phố.
Điều này cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng đã phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam, cũng như cơ sở hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, phân khúc này cũng trải qua không ít “sóng gió”, nhất là khâu pháp lý chưa thống nhất và việc hạn chế sở hữu của người nước ngoài.
Trong những tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhất là với bất động sản nghỉ dưỡng do ngành du lịch là ngành bị tổn thương nhất bởi Covid.
Ước tính giá trị tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán tương đương 104.550 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp và căn hộ du lịch.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D, Công ty DKRA Vietnam cho rằng, pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định người nước ngoài (cá nhân) được mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định chỉ tổ chức nước ngoài mới được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Còn đối với bất động sản nghỉ dưỡng thì chưa có quy định cụ thể trong cả 2 luật này.
Vì vậy, việc Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài trong mỗi tòa chung cư. Đặc biệt, kiến nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản nghỉ dưỡng đang được xem là “cứu cánh” để thị trường bứt phá, bởi nếu có thêm dòng vốn đầu tư từ người nước ngoài sẽ càng có lợi cho phân khúc này.
Mở rộng tệp khách hàng
Theo ông Nguyễn Hoàng, việc cho phép người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam là một đề xuất rất tích cực, góp phần thúc đẩy cho loại hình này phát triển với những lợi ích khác nhau.
Nếu người nước ngoài được phép mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, trước mắt sẽ có những điểm tích cực như: Đa dạng nguồn khách cho chủ đầu tư, giảm bớt áp lực trông đợi nguồn khách mua nội địa; Kích thích thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng tích cực hơn trong bối cảnh hiện tại đang có nhiều thách thức, khó khăn.
Từ đây, do yêu cầu phát triển của thị trường, việc quản lý và hoàn thiện pháp lý của Nhà nước cũng phải phát triển theo. Bên cạnh đó, việc này sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư cá nhân của người nước ngoài, góp phần đa dạng nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Ngoài ra, khi cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, các dự án sẽ được đầu tư chất lượng tốt hơn, minh bạch hơn, quản lý hiệu quả hơn để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc người nước ngoài mua bất động sản ở Việt Nam chỉ có tính kích thích và góp phần tâm lý làm sôi động thị trường bất động sản hơn.
“Chúng ta không thể trông đợi vào yếu tố này một cách tuyệt đối, xem đây là cứu cánh để giải cứu thị trường bất động sản khi gặp khó khăn”, ông Hoàng nói và cho rằng, quan trọng nhất vẫn nên có những quy định pháp lý cụ thể để quản lý hiệu quả và hạn chế những rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.
Trong khi đó, theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng là một hình thức xuất khẩu tại chỗ.
Ông Khương cho rằng, ngoài việc gỡ khó cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, thì việc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền chạy về Việt Nam ở các lĩnh vực khác cũng tốt theo.
“Chúng ta đang ở nền kinh tế thị trường, mỗi phân khúc đều có nhu cầu riêng. Nhu cầu người nước ngoài sở hữu bất động sản Việt Nam nói chung còn rất lớn, ở cả phân khúc bất động sản nhà ở lẫn du lịch. Tuy nhiên, tôi cũng luôn nhấn mạnh, về mặt quản lý, chúng ta phải đảm bảo được yếu tố về an ninh chính trị, tránh các vị trí xung yếu”, ông Khương nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Đức Trung, Giám đốc dự án Công ty TNHH Le Vista, cho rằng, việc Nhà nước cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng là hoàn toàn có lợi, bởi không những tệp khách hàng được mở rộng, mà còn kích thích các chủ đầu tư mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm trong các phân khúc cao cấp, sang trọng để đáp ứng nhu cầu và hầu bao của khách hàng quốc tế.
Theo ông Trung, một khi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có cơ sở phát triển thì du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, người dân địa phương sẽ có nhiều việc làm, thu nhập hơn.
“Về mặt tổng thể, chính sách này là cơ sở và đòn bẩy quan trọng cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển cả về chất và lượng, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế và đóng góp một nguồn đáng kể cho ngân sách nhà nước”, ông Trung nói.
Không quá đáng ngại khi cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng
Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng khi được phê duyệt quy hoạch và đầu tư là đã được xem xét đến vấn đề có nằm trong diện ảnh hưởng hoặc tác động đến an ninh quốc phòng hay không, nếu có chắc chắn sẽ không được cấp phép.
Hiện nay, với bất động sản nhà ở, người nước ngoài được phép mua căn hộ ở cũng phải theo những quy định cụ thể, thì với bất động sản nghỉ dưỡng, nếu cũng áp dụng như vậy sẽ giảm bớt các lo ngại.
Một vấn đề nữa là bất động sản nghỉ dưỡng hiện chỉ đưa vào vận hành khai thác lưu trú qua đêm như khách sạn, chứ không để ở thường xuyên, đồng thời được quản lý công khai, minh bạch nên nỗi lo về an ninh quốc phòng cũng không quá đáng ngại.