Phát triển đô thị vùng ven TP.HCM nhờ hạ tầng giao thông

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hướng tới về các vùng phụ cận đang được TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng từ đầu năm 2020 đang giúp thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Long An, Bình Dương đứng trước cơ hội phát triển.

Phát triển đô thị vùng ven TP.HCM nhờ hạ tầng giao thông.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết trong năm 2020 sẽ khởi công xây dựng 27 dự án giao thông mới, bên cạnh đó cũng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 tới nay để kéo giảm tình trạng kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

Theo danh sách của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, các dự án trọng điểm nhất trong số 27 dự án được triển khai có dự án cầu Mỹ Thuỷ 3 thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, sẽ giúp giải quyết ùn tắc cho khu vực ra vào cảng Cát Lái, Quận 2.

Bên cạnh đó là các dự án hầm chui HC1 và HC2 thuộc dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ với tổng vốn hơn 830 tỷ đồng tại quận 7; xây mới cầu Hang Ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng; và hơn 380 tỷ đồng mở rộng đường Dương Quảng Hàm giúp giảm kẹt xe khu vực quận Gò Vấp.

TP.HCM cũng nâng cấp mở rộng hàng loạt cầu, đường nhằm tăng diện tích giúp phương tiện lưu thông thông thoáng hơn. Cụ thể, công trình cải tạo cầu Phạm Văn Chí (quận 6), cầu kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7), cầu chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5 với quận 8), cầu Tân Kỳ – Tân Quý (nối quận Tân Phú với quận Bình Tân)…

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 29 dự án trong năm 2020; bên cạnh đó sẽ tiếp tục thi công 70 dự án và triển khai các thủ tục và trình phê duyệt chủ trương đầu tư công 78 dự án; giải ngân đạt hơn 95% vốn được giao trong năm.

Một điểm nhấn nữa mà TP.HCM đặt ra trong năm 2020 đó là tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 210 dự án gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; du lịch – giải trí với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53.804 triệu USD.

Trong đó có nhiều dự án quan trọng như xây dựng tuyến đường trên cao số 1 (từ nút giao cộng hòa theo đường Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyên – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long – Phan Xích Long (nối dài) – giao với đường Điện Biên Phủ và đường Ngô Tất Tố – Kết thúc trước cầu Phú An) trên địa bàn các quận: quận 1, quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Quy mô xây dựng dài 9,5 km, rộng 17,5 m. Tổng vốn đầu tư 15.460 tỷ đồng (tương đương 703 triệu USD).

Thành phố sẽ xây dựng tuyến đường trên cao số 3 (từ tuyến số 2 tại Tô Hiến Thành – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – trục Bắc Nam – Nguyễn Văn Linh) tại quận 5, quận 7, quận 10. Quy mô xây dựng dài 8,1 km, rộng 17,5m. Tổng vốn đầu tư 14.756 tỷ đồng (tương đương 671 triệu USD).

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng tuyến đường trên cao số 2 (giao với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả – Bùi Thị Xuân – vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – hẻm 656 CMT8 – Bắc Hải – hẻm số 2 Thiên Phước – hẻm số 654 u Cơ – Dọc theo công viên Đầm Sen – Rạch Bàu Trâu – Đường Chiến Lược – Hương lộ 2, kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 1) tại quận 10, quận 11, huyện Bình Chánh. Quy mô xây dựng: dài 11,8 km, rộng 17,5 m với tổng vốn đầu tư 21.490 tỷ đồng (tương đương 977 triệu USD).

Một dự án quan trọng khác là sẽ xây dựng tuyến đường trên cao số 4 (từ QL 1 giao với tuyến số 5) – Vườn Lài – Vượt sông Vàm Thuật tại vị trí Rạch Lăng và đường sắt Bắc Nam (tại khu vực Cầu Đen) – đường Phan Chu Trinh quy hoạch kéo dài qua khu vực chung cư Mỹ Phước rồi nối vào đường Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1) tại quận 3, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Quy mô xây dựng dài 7,3 km, rộng 17,5m với tổng vốn đầu tư 20.300 tỷ VNĐ/ 923 triệu USD….

Cơ hội cho bất động sản liên kết vùng

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư, Savills Việt Nam, cho rằng hạ tầng giao thông TP.HCM đã đi đúng hướng phát triển vùng lõi trung tâm tới phát triển vùng ven, để rồi đẩy mạnh chính sách giãn dân từ trung tâm ra vùng ngoại ô. Đây cũng là hướng đi trọng tâm của Thành phố khi ngay từ Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đưa ra, đó là việc phát triển liên kết vùng giữa TP.HCM và Đồng Nai sẽ liên kết vùng với các tỉnh Đông Nam bộ; Long An sẽ liên kết vùng với các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ông Khương cho biết, trên thế giới, đô thị vệ tinh phải nằm trong bán kính 200 km, còn TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ cách nhau khoảng 30 km, nên có thể gọi các tỉnh lân cận của TP.HCM là vùng ngoại ô. Đơn cử như năm 2010, khi cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết và Xa lộ Hà Nội, cùng thông tin Chính phủ phê duyệt cho TP.HCM xây dựng cầu Cát Lái bắc từ TP.HCM qua huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, thị trường vùng ven đã ngay lập tức phát triển. Các dự án luôn nằm giáp với địa phận TP.HCM và đặc biệt là dự án bám sát vào hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM.

Bình Dương là tỉnh được cho là nơi khó khăn nhất khi thị trường bất động sản tại đây đang đứng im, nhưng tại những vị trí như huyện Dĩ An đã có dấu hiệu hồi sinh. Đây là địa phương tiếp giáp với TP. HCM và có trục đường Phạm Văn Đồng, nối TP.HCM với Bình Dương, nên thị trường bất động sản Dĩ An đã có những chuyển biến tích cực, với những gần 10 dự án được xây dựng và mở bán mới chỉ trong những năm 2013 tới nay.

Tương tự, với việc tuyến đường Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Quốc lộ 22 nối phía Tây TP.HCM tới huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) được mở rộng, thị trường bất động sản huyện Đức Hòa cũng “lên hương”. Cụ thể, từ năm 2010 tới nay, đã có tới gần 20 dự án bất động sản tại Đức Hòa được mở bán. Đặc biệt, các dự án mở bán đều giới thiệu là giáp TP.HCM và lưu thông chỉ khoảng 30 phút chạy xe máy bằng các trục đường lớn. Do đó, người dân từ TP.HCM về đây mua sinh sống cũng tăng lên.

“Việc phát triển giao thông kết nối đang tạo ra một đà phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM và các các tỉnh lân cận hưởng lợi theo hướng bền vững. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên”, ông Khương nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, một trong những điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của TP.HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính. Trong đó, các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới đầy tiềm năng và hấp dẫn trong xu thế giãn dân đô thị.

Nguồn Lý Tuấn/ vietnamfinance.vn
Bài cùng chuyên mục