Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại TP Hồ Chí Minh

Thời tiết nắng nóng gay gắt với chỉ số tia cực tím cao vượt ngưỡng, chất lượng không khí cũng đáng báo động tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua.

Ô nhiễm không khí (ONKK) chủ yếu là bụi và đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng, nhà máy lớn, khu công nghiệp tập trung. Trong vòng 10 năm gần đây, tại TP.HCM bụi mịn (PM 2,5) tăng đáng kể, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Một trong những nguyên nhân gây ra ONKK nhiều nhất phải kể đến là do giao thông. Sở GTVT TP.HCM cho biết tính đến tháng 6/2019, toàn thành phố có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm khoảng 825.300 ô tô và 8,12 triệu xe máy. Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.

Kiểm soát ô nhiễm không khí là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường

Để kiểm soát ô nhiễm giao thông vận tải, TP.HCM cần thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải phải được duy trì thường xuyên.

Thực trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí thực sự là một thách nhức với cơ quan chuyên trách trong việc nâng cao trách nhiệm và triển khai các giải pháp để có thể ứng phó chứ không dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền đơn thuần, cần tránh khẩu hiệu chung chung và mang tính hô hào.

Trước hết, chúng ta cần có những đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra; đồng thời truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; quan trắc, giám sát chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà…

Song song đó, việc bảo vệ và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị phải được quan tâm đúng mức; kiềm chế tốc độ “bê tông hoá” tại đô thị, các công trình giao thông, công trình xây dựng phải được che chắn, giảm thiểu đến mức tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; trong sinh hoạt sản xuất, cần tuân thủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, đẩy nhanh việc cải tiến phương pháp chôn lấp rác, xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến, không chỉ chạy theo lợi ích kinh tế…

Quan trọng hơn hết, là việc kiểm soát phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng vì lợi ích kinh tế cũng như môi trường, đẩy nhanh hiệu quả từ việc thay thế xăng A92 bằng xăng E95. Ngoài ra, thành phố cũng cần triển khai đồng bộ hơn nữa các đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, chống ô nhiễm không khí không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho cơ quan hữu quan, mà mỗi người dân cần có ý thức để bảo vệ môi trường.TP.HCM, Hà Nội hay các thành phố lớn khác đều là những đầu tàu kinh tế, những nơi đáng sống.

Và đã đến lúc, những cư dân đô thị cần thể hiện tình yêu và giữ gìn môi trường này, nơi mình gắn bó, làm việc và mưu sinh. Hãy nhớ rằng, không chỉ ô nhiễm không khí, các vấn đề khác vẫn đang xảy ra. Khi lá phổi xanh của trái đất thu hẹp, cũng là lúc lá phổi của mỗi chúng ta tổn thương và thoi thóp từng ngày.

Để từng bước tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng không khí, TP.HCM cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường năng lực, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường không khí; hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là kiểm soát ONKK theo Luật Bảo vệ Môi trường trong thời gian tới.

Nguồn Minh Anh/ Moitruong.net.vn
Bài cùng chuyên mục