Nên mua bất động sản thời điểm này hay tiếp tục chờ xuống giá?

Giá bất động sản không giảm trong đại dịch vì nhiều yếu tố và khó lao dốc trong thời gian tới để nhà đầu tư chờ mua. Cơ hội đầu tư được dự đoán cho năm sau, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn ở các mảng bất động sản công nghiệp, khu dân cư, bất động sản nghỉ dưỡng.

Vì sao giá bất động sản trong dịch Covid-19 không giảm?

Sáng nay (4/9), Cafeland tổ chức tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?”. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho biết trong ít nhất 6 – 12 tháng tới, thị trường khó có thể lao dốc để chờ mua vào với giá tốt. Trên thị trường sơ cấp, giá bán có thể điều chỉnh đi ngang hoặc tăng nhẹ do các chủ đầu tư có áp lực buộc phải bán hàng nhanh.

Đối với thị trường thứ cấp, xu hướng bán tháo đối với các nha đầu tư lướt sóng có thể xảy ra nhưng không nhiều, chỉ cục bộ ở một số dự án và khu vực nhất định. Đây là cơ hội tốt cho người mua để ở.

Ông Kiệt cũng cho biết dù Covid-19 diễn ra, giá bất động sản không giảm bởi có nhiều yếu tố. Các kết quả khảo sát của CBRE cho thấy nguồn cung thị trường từ năm 2019 đã giảm mạnh nhưng nhu cầu thị trường vẫn tăng. Sang năm 2020, nguồn cung có xu hướng tiếp tục giảm vì các dự án vướng pháp lý nhưng nhu cầu thị trường vẫn cao, chủ đầu tư vẫn duy trì mức bán vì tỷ lệ hấp thụ tốt, kể cả trong mùa dịch. CBRE nhận thấy khả năng bán hết căn hộ trong đợt mở bán đầu tiên vào khoảng 70%. Đồng thời, mặt bằng chung về giá đất không giảm, cộng thêm các loại chi phí dẫn đến giá bán tăng.

Cùng quan điểm với ông Kiệt, nhiều chuyên gia cũng lý giải lý do giá bất động sản không hề giảm trong thời gian dịch bệnh. Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính phân tích, giá bất động sản đã tăng quá cao giai đoạn trước năm 2019. Do đó, thị trường hiện nay đang trong giai đoạn đi ngang kéo dài đến hết 2021, sau đó mới có thể tăng lại. Với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, giá thuê bất động sản như căn hộ, văn phòng tạm thời phải giảm.

Tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?” diễn ra sáng 4/9. Ảnh: Thy Thy.

Còn ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhìn nhận giới đầu tư bất động sản chuyên nghiệp đã nhìn thấy khó khăn trong năm 2020 từ năm 2019 nên có chuẩn bị một kế hoạch dài hơi, ít nhất trong 12 tháng. Đầu năm nay, dịch bệnh bất ngờ bùng phát, tuy có ảnh hưởng đến thị trường nhưng được xem như nằm trong dự tính.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, qua trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng họ sẵn sàng tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là những doanh nghiệp quen thuộc với thị trường tin rằng đây chỉ là đợt điều chỉnh tạm thời. Họ vẫn tin tưởng vào chính sách và kinh tế vĩ mô, thị trường Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng so với các thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á.

Cơ hội của nhà đầu tư

Ông Trần Khánh Quang đánh giá trong nguy có cơ. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Bản thân ông cho rằng dịch có thể được sớm kiểm soát, cuối năm 2021 ngành du lịch sẽ trở lại. Cộng với lãi suất ngân hàng ngày càng thấp, có lợi cho các ngành nghề kinh doanh ổn định trở lại… Ông Quang cho rằng đây là thời điểm tốt để cá nhân có thể mua được bất động sản yêu thích. Các nhà đầu tư cũng có thể “bỏ phố về vườn”, tìm kiếm các cơ hội ngách ở vùng ven.

Đồng thời, tại các thị trường du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Khánh Hoà, loại hình bất động sản 2 – 3 sao đang được rao bán với giá khá thấp là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn mua loại hình bất động sản khai thác. Cuối cùng, cơ hội đầu tư cho bất động sản khu dân cư gần khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp luôn hiện hữu và giá trị, khi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng vào mảng này.

Còn theo ông Đinh Thế Hiển, trong tầm nhìn dài hạn, tiềm năng năng bất động sản phía Nam vẫn tốt. Nguyên tắc bất động sản đi sau nền kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nhưng lạm phát vẫn ở mức 3%, tỷ giá không biến động mạnh, xuất khẩu dù giảm nhưng vẫn tốt so với các nước, dự trữ ngoại hối thặng dư 8 tỷ USD, xu thế công nghiệp hóa mạnh, kéo theo làn sóng dân cư tạo thành động lực thúc đẩy cho bất động sản phía Nam.

Nhiều nhà đầu tư có xu hướng “bỏ phố về vườn”, làm nhà vườn 1.000 – 2.000 m2. Ông Hiển cho rằng câu chuyện đầu tư này có những khó khăn riêng như phải xây nhà, bảo trì tốn kém, xung quanh không có tiện tích. Do đó, ông lưu ý với các nhà đầu tư cá nhân, chỉ nên mua những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng là cơ hội đáng chờ.

NguồnKhổng Chiêm/ Người Đồng Hành
Bài cùng chuyên mục