Bộ Tài chính đồng tình cho TP.HCM hưởng 50% tiền sử dụng đất khi bán tài sản công
Bộ Tài chính vừa có công văn số 9035/BTC trả lời Sở Tài chính TP.HCM đồng ý cho TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công.
Để thực hiện việc này, Bộ Tài chính đã có công văn số 781/BTC hướng dẫn UBND TP.HCM thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào số thu (phần nộp ngân sách nhà nước) từ bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng tiền sử dụng đất của các Bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn TP.HCM và dự toán chi đầu tư, phát triển của các cơ quan, tổ chức, phần chênh lệch giữa thu và chi sẽ thực hiện phân chia cho ngân sách TP.HCM được hưởng 50%. Cơ sở để TP.HCM được hưởng ưu đãi này là căn cứ theo khoản 9 điều 5 Nghị quyết số 54/2017/QH14 ban hành ngày 24/11/2017 của Quốc hội.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 54 đã tạo thế chủ động nhiều hơn cho TP so với thời gian trước, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tiến độ các dự án nhóm A (dự án có quy mô đầu tư trên 1.000 tỉ đồng) được đẩy nhanh hơn. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định.
Cơ chế tài chính chưa được phát huy, TP chưa có nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Các đơn vị thuộc Trung ương chưa thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch và Bộ Tài chính chưa triển khai công tác hậu kiểm việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các đơn vị thuộc Trung ương.
Do đó, 3 năm qua, TP không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương nên chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020; theo đó, TP có 38 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chưa có hướng dẫn của cơ quan chức năng có thấm quyền về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
UBND TP chưa thể ban hành quyết định cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nên công tác cổ phần hóa doanh nghiệp có khả năng kéo dài, không đảm bảo tiến độ đến hết năm 2020 như mục tiêu đã đề ra. Do đó, TP không có nguồn thu từ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị khi đề xuất nội dung ủy quyền mới nhưng không nêu rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý nên khó khăn cho quá trình thẩm định. Một số văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể hoặc đang chờ văn bản hướng dẫn, các nội dung ủy quyền chưa thể triển khai thực hiện.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét và trình Quốc hội sớm thông qua đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển trung ương và tạo tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho TP.HCM trong thời gian tới.