Bộ GTVT nỗ lực giải ngân đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ nhưng Bộ GTVT luôn tích cực, phấn đấu giải ngân, nỗ lực thi công các dự án đảm bảo kế hoạch đề ra.

Duy trì kết quả giải ngân cao

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện và đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, kết quả giải ngân kế hoạch đến nay đã có chuyển biến tích cực, công tác kế hoạch dần đi vào nền nếp và đạt được một số kết quả khả quan.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn năm 2020 của Bộ GTVT khoảng 39.762 tỷ đồng, gồm 35.977 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.785 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Sau gần 8 tháng triển khai, kết quả giải ngân ước đạt 21.009,266 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch giao năm 2020, cao hơn giải ngân bình quân cả nước (khoảng 47%). Về công tác thẩm tra quyết toán, trong tháng 8/2020 đã lập, trình quyết toán 4 dự án ngân sách nhà nước; lũy kế 6 tháng, đã lập, trình quyết toán 13/18 dự án (đạt 72% kế hoạch); đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 7 dự án, hạng mục vốn đầu tư công; luỹ kế đến nay đã phê duyệt được 29/25 dự án (đạt 126% kế hoạch). Đối với các dự án BOT, từ đầu năm đến nay, các ban QLDA trình được các hạng mục bổ sung của 3 dự án, đạt 43% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện nay vấn đề vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Theo quy định, vốn được bố trí cho Bộ GTVT nhưng công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các địa phương, Bộ chỉ có thể hỗ trợ, phối hợp. Ngoài ra, hiện nay thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và cơ cấu tổng mức đầu tư một số dự án ODA cũng đang là vướng mắc, bởi một số dự án cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đã trình nhưng chưa được phê duyệt.

Đánh giá về vấn đề vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công hiện nay là do công tác dự báo và lập kế hoạch, bởi Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2 – 3 năm, do đó thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít.

Do đó, để tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án. Các bộ, ngành liên quan sớm đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư đối với một số dự án ODA; cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 đối với một số dự án cần thiết, cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn, nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn; sớm hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT; tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục điều hòa, điều chỉnh vốn ngân sách giữa nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách; hỗ trợ xử lý nhanh các thủ tục điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, cơ cấu khoản vay của một số dự án ODA để đảm bảo điều kiện giải ngân kế hoạch, để đảm bảo có thể giải ngân hết nguồn vốn được Chính phủ giao.

Tập trung “thúc” tiến độ các dự án trọng điểm

Trong tháng 8, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các ban QLDA và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông để đáp ứng yêu cầu tiến độ; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tập trung thi công các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách, các dự án cải tạo đường cất, hạ cánh, đường lăn của hai Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài…

Cụ thể, theo ông Nguyễn Duy Lâm – Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, trong công tác triển khai những dự án trọng điểm, với 6 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các gói thầu của 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công, cơ bản đáp ứng được kế hoạch đề ra, 3 dự án còn lại dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9.

“Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, do đây là hai dự án khẩn cấp nên Chính phủ cho phép triển khai theo hình thức giao thầu. Hiện nay, các thủ tục đầu tư, giao thầu đã hoàn thành và đang triển khai thi công, cơ bản bám sát kế hoạch xây dựng. Tuy nhiên, Chính phủ, lãnh đạo Bộ yêu cầu phải hoàn thành sớm để phục vụ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết nên tiến độ được điều chỉnh rất gấp, các đơn vị liên quan đang đôn đốc triển khai, thi công”, ông Lâm cho biết.

Hiện nay có 14 dự án giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách. Trong 10 dự án đường bộ thì đã hoàn thành 1 dự án, còn 9 dự án đã hoàn thành tất cả các thủ tục đầu tư, đang triển khai thi công, trong các dự án này vẫn còn dự án triển khai chậm theo kế hoạch. 4 dự án đường sắt trong 3 tháng trở lại đây tiến độ bị chậm so với kế hoạch. Hiện nay, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và Ban QLDA Đường sắt đang quyết liệt triển khai, rút ngắn những thủ tục để đảm bảo từ nay đến tháng 10 sẽ khởi công toàn bộ các dự án còn lại (hiện nay mới khởi công được 8/32 gói thầu).

Nhìn nhận về những công việc từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, những nhiệm vụ trong các tháng cuối năm còn rất nhiều, do đó các thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần bám sát nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, nhất là các nhiệm vụ được giao trong chương trình hành động của Bộ, bám sát chương trình công tác của Chính phủ, của Bộ năm 2020.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải ngân, kịp thời tham mưu điều tiết nguồn vốn và làm việc với các địa phương thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân các dự án; tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA hoàn thiện các thủ tục liên quan để kịp khởi công các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch trong tháng 9/2020.

NguồnDương Thùy/ Tạp chí Giao thông vận tải
Bài cùng chuyên mục