Bất động sản TP.HCM ăn theo sóng hạ tầng
Quý cuối năm nay, hàng loạt công trình hạ tầng lớn tại TP.HCM sẽ khánh thành, khởi công và giới đầu tư đang điểm mặt những dự án bất động sản có khả năng “ăn theo”.
Mở đường, mở cơ hội đầu tư
Ngày 8/10/2020 này, những toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) xuất phát từ cảng Kasado (Nhật Bản) sẽ cập cảng TP.HCM để sau đó 2 ngày sẽ về đến Depot Long Bình, quận 9. Sau gần 10 năm thi công dự án và cũng là từng đó thời gian các dự án bất động sản dọc tuyến liên tục quảng bá “vị trí gần metro”, giờ là lúc đoàn tàu điện ngầm đến gần dự án nhất, mở ra hy vọng không chỉ cho các chủ đầu tư mà ngay cả các nhà đầu tư đã găm hàng đón sóng hạ tầng.
Cũng vào ngày 10/10 tới đây, sau nhiều lần lỗi hẹn, dự án Bến xe Miền Đông mới, được đầu tư với tổng số vốn khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào hoạt động. Với vị trí nằm ngay mặt tiền Xa Lộ Hà Nội, gần Khu du lịch Suối Tiên, cách trung tâm Thành phố khoảng 20 km…, việc di chuyển đến các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương sẽ rất dễ dàng khi bến xe này đi vào hoạt động.
Nằm cách Bến xe Miền Đông mới chưa đầy 3 km là một công trình không kém phần quan trọng, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2. Được khởi công từ năm 2016 với quy mô 1.000 giường bệnh, sau nhiều lần chậm trễ, hiện nay cơ sở này đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/10.
Thực tế, trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản khu Đông bao gồm quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 đã là “cực nóng” phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM. Đặc biệt, sau thông tin khu Đông được quy hoạch trở thành Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM với nhiều công trình hạ tầng mới được triển khai, thị trường bất động sản nơi đây càng thu hút sự chú ý.
Theo Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, trong giai đoạn 2020 – 2022, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy lên 77 m.
Không chỉ tại khu Đông, các nhà đầu tư vào khu Nam cũng đang ngóng đợi các dự án trọng điểm như cầu Nguyễn Khoái – quận 7 kết nối với quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng…; dự án cầu Thủ Thiêm 3 (nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 qua quận 4) và cầu Thủ Thiêm 4 (kết nối giữa quận 2 qua quận 7 – cầu Phú Mỹ).
Còn khu Tây cũng có 4 trong danh sách 13 công trình giao thông mới được khởi công, khánh thành tại TP.HCM, trong đó điểm nhấn là dự án hầm chui tại nút giao An Sương chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 19/9/2020, mở toang “cánh cửa” kết nối với các tỉnh Long An, Tây Ninh.
Giá sẽ còn tăng?
Còn nhớ, đầu năm 2017, sau thông tin dự án Bến xe Miền Đông mới sắp được khởi công và dự án Vincity Grand Park vừa được công bố quy hoạch, giá đất trên đường Phước Thiện, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam (quận 9) có giá từ 20 – 30 triệu đồng/m2 đã tăng thêm 5 – 10 triệu đồng/m2 chỉ trong một thời gian ngắn. Từ đó đến nay, sau 3 năm, thị trường bất động sản tại những khu vực này không ngừng thiết lập mặt bằng giá mới và hiện tại, những nền đất được lên thổ cư trên đường Nguyễn Xiển ở mức 50 – 60 triệu đồng/m2, riêng những lô mặt tiền giá lên đến 100 triệu đồng/m2. Còn tại đường Hoàng Hữu Nam, khu vực gần Bệnh viện Ung Bướu hay Bến xe Miền Đông mới rất khó để tìm được lô đất có giá dưới 100 triệu đồng/m2.
Đối với phân khúc căn hộ, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Rio Land vừa ra mắt dự án Precia tại quận 2 với mức giá 55 triệu đồng/m2, cao hơn 15% so với giá bán cùng phân khúc và cùng khu vực mở bán hồi cuối năm 2019.
Tại quận Thủ Đức, dự án King Crown Infinity, tọa lạc ngay mặt tiền đường Võ Văn Ngân (kế bên Trung tâm thương mại Vincom Thủ Đức) dù chưa có giá chính thức nhưng đang được các môi giới rỉ tai nhau mức giá thấp nhất khoảng 65 – 70 triệu đồng/m2 – mức giá “chưa từng có trong khu vực”.
Lý giải về xu hướng tăng giá “không phanh” này, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty Co PiHome nhận định rằng, hầu hết công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM đều đi qua khu vực này, hơn nữa Thành phố Thủ Đức sẽ là cú huých trong trung và dài hạn cho bất động sản khu vực này.
Tuy nhiên, theo khảo sát, có một nghịch lý đang diễn ra là quanh khu vực quận 9 dù giá đất giao dịch ở ngưỡng khá cao nhưng mật độ dân cư về đây sinh sống rất ít, phần lớn những lô đất có giá cả trăm triệu đồng/m2 vẫn để không.
Theo ông Phi, giai đoạn các dự án hạ tầng triển khai, diện mạo đô thị ngổn ngang khiến nhiều khách hàng đã sở hữu nhà đất ngại chuyển về xây dựng, sinh sống, mặt khác một lượng không nhỏ sản phẩm vẫn nằm trong tay nhà đầu tư chờ mua đi bán lại. Do đó, ông Phi nhận định rằng, “khi những dự án trọng điểm được đưa vào sử dụng, đô thị trở nên phong quang hơn sẽ kéo theo làn sóng người ở thực về đây và giá sẽ còn tăng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc TP.HCM hoàn thiện hạ tầng giao thông không chỉ thúc đẩy thị trường bất động sản trong lòng Thành phố phát triển, mà còn lan tỏa “hơi nóng” ra các thị trường bất động sản lân cận.
Dù địa bàn hoạt động chính của Trần Anh Group là Long An, nhưng ông Hà Phước Thiện, Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty rất vui mừng khi dự án hầm chui An Sương đi vào hoạt động bởi theo ông, “mật độ nhà đầu tư tìm đến các dự án của Trần Anh Group ở Đức Hòa tăng lên trông thấy sau khi hầm chui thông xe”.
“Từ năm 2010 tới nay, đã có tới gần 20 dự án bất động sản tại Đức Hòa, Long An được mở bán nhưng sức cầu không cao, khi các dự án hạ tầng được đưa vào sử dụng kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng người dân từ TP.HCM về đây mua nhà sinh sống như một vùng ven Thành phố”, ông Thiện hy vọng.