Giá đất thành phố Thủ Đức tăng bất chấp, chuyên gia lo ngại “sốt ảo”

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM, đất nền tại khu vực này đã tăng mạnh.

Kể từ khi ý tưởng thành lập thành phố Thủ Đức, trên cơ sở sắp xếp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, giá trị bất động sản (BĐS) đã tăng rất mạnh, dao động từ 10 – 15% so với cuối năm 2019.

Số liệu từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, giá chào bán căn hộ tại khu vực này trong quý III đã tăng trung bình từ 1-2%. Trong đó, mức tăng giá quận 2 vào khoảng 2%, quận 9 tầm 1%, Thủ Đức có mức tăng từ 2,5% so với quý 2 trước đó.

Cũng theo số liệu từ đơn vị này, mức tăng giá chung cư ở các quận thuộc khu Đông vào khoảng 8% trong khi mức độ tăng giá căn hộ trung bình khu trung tâm TP.HCM chỉ 5%.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức khiến giá trị bất động sản khu vực này tăng “chóng mặt”. Ảnh: Phạm Nguyễn

Đối với phân khúc nhà riêng, nhà phố, giá nhà tại 3 quận phía Đông vẫn tăng 7% so với cùng kỳ, trong khi tại trung tâm giảm 3% vì dịch bệnh.

Theo dự báo của các công ty nghiên cứu BĐS, trong 5 năm tới, thành phố Thủ Đức sẽ tăng mạnh về nguồn cung, tốc độ sẽ đạt 11,5%/năm, tương đương 15.000-16.000 căn hộ/năm. Cao vượt trội so với tốc độ tăng trưởng của khu Nam (4,6%) và khu Tây (5,3%).

Ông Đỗ Trung Hiếu, chuyên gia BĐS cho biết, trong 5 tháng gần đây, phường Trường Thọ trở thành “tâm điểm” đầu tư của quận Thủ Đức, nhờ nằm gần một số nhà máy, cụm cảng. Cũng nhờ vậy, giá đất tại đây đã tăng 50% so với cuối năm ngoái, dao động trong khoảng 20 – 100 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí.

Tại quận 9, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Nguyễn Xiển;… là “mặt trận” nóng bỏng nhất. Chỉ trong 1 năm, giá đất đã tăng bình quân từ 30 triệu đồng/m2, lên 70 triệu đồng/m2.

Riêng quận 2, giá đất vẫn ở mức rất cao, biên độ tăng giá chậm hơn so với quận 9 và Thủ Đức. Bởi, từ lâu, khu vực này được mặc định cho người có thu nhập cao.

Trước tốc độ tăng giá mạnh mẽ, nhiều chuyên gia lo ngại cò đất sẽ lợi dụng thông tin thành lập thành phố Thủ Đức để “thổi giá” và tạo ra vài đợt “sốt đất ảo”. Ảnh: Phạm Nguyễn

Ông Đỗ Trung Hiếu giải thích, so với quận 2 và quận 9, thì quận Thủ Đức được giới đầu tư chú ý hơn cả. Do khu vực quận này có vị trí đắc địa, nền tảng hạ tầng tốt, với mạng lưới giao thông được phát triển đồng bộ, thuận lợi cho cả đường bộ, đường thủy và metro.

Dù vậy, khu vực quận 2, quận 9 hiện nay cũng có nhiều lợi thế. Trong đó, yếu tố then chốt chính là cơ quan hành chính của thành phố Thủ Đức sẽ được đặt ở khu vực này.

Trước tốc độ tăng giá mạnh mẽ, nhiều chuyên gia lo ngại, giới đầu nậu, cò đất sẽ lợi dụng thông tin thành lập thành phố Thủ Đức để “thổi giá” và tạo ra vài đợt “sốt đất ảo”.

Nhìn nhận từ thực tế, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS khẳng định, mức tăng giá hiện nay đang ở mức chấp nhận được và chưa có dấu hiệu tăng ảo.

“Mức tăng hiện nay ở khu Đông TP.HCM mới chỉ dừng lại ở mức rao bán, không phải mức giá sau giao dịch.

Ví dụ, một nền đất tại quận 9 được chủ đất rao bán với giá 5 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giữa bên mua và bên bán có thể thương lượng được và mức giá có thể thấp hơn nhiều”, ông Chánh nói.

Nguồn Việt Vũ/ Dân trí
Bài cùng chuyên mục