Nghiên cứu: Người đi xe máy ở Hà Nội đang bị phơi nhiễm carbon đen gấp 3 lần người đi xe bus

Carbon đen có liên quan đến các bất lợi trong sức khỏe tim mạch, sức khỏe trẻ sơ sinh, hệ thần kinh trung ương, ung thư phổi và tỷ lệ tử vong nói chung.

Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Atmospheric Environment, những người đi xe máy ở Hà Nội đang phải phơi nhiễm với một nồng độ carbon đen cao gấp gần 3 lần so với người đi xe bus. Những người đi ô tô cá nhân hoặc ô tô chở khách như taxi cũng có thể phơi nhiễm carbon đen gần gấp đôi nếu họ mở cửa sổ.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội, Đại học Công nghệ Queenland và Đại học Queenland, Australia khuyến cáo người dân thủ đô nên sử dụng phương tiện công cộng như xe bus để di chuyển thay cho xe máy.

“Phát hiện của chúng tôi là bằng chứng thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Hà Nội, và nó cũng có thể được áp dụng cho các thành phố khác ở Đông Nam Á có đặc điểm giao thông tương tự”, các nhà nghiên cứu viết.

Carbon đen (Black carbon) hay muội than là những hợp chất carbon có thể hấp thụ toàn bộ ánh sáng Mặt Trời. Cũng bởi chúng không phản xạ lại bất kỳ một bước sóng khả kiến nào nên mới có màu đen sâu.

Nguồn phát thải carbon đen chính ra môi trường thường là phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là đốt dầu diesel), hoạt động đốt củi, than trong đời sống hàng ngày của người dân, các nhà máy điện sử dụng dầu nặng hoặc than, việc đốt sinh khối nông nghiệp trên đồng ruộng cũng thiên tai cháy rừng, thảm thực vật.

Giống với PM10 hay PM2.5, carbon đen cũng là một chỉ số đo mức độ ô nhiễm không khí được sử dụng để đánh giá tác động tới sức khỏe con người.

“Ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông, bao gồm các hạt PM và carbon đen, đã được coi là một thành phần quan trọng trong tổng phơi nhiễm đường hô hấp hàng ngày của con người“, các tác giả nghiên cứu viết.

“Carbon đen có liên quan đến các bất lợi trong sức khỏe tim mạch, sức khỏe trẻ sơ sinh, hệ thần kinh trung ương, ung thư phổi và tỷ lệ tử vong nói chung. Phơi nhiễm carbon đen cũng liên quan đến các vấn đề về hô hấp và được coi là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến huyết áp hơn cả phơi nhiễm với tổng khối lượng các hạt bụi PM”.

Thực trạng phơi nhiễm carbon đen khi tham gia giao thông ở Hà Nội

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, thủ đô Hà Nội có dân số khoảng 8,05 triệu người. Phương tiện giao thông được sử dụng chủ yếu trong thành phố là xe máy, ô tô cá nhân, xe bus và taxi. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết tính đến đầu năm ngoái, thành phố có tổng cộng 5,7 triệu xe máy, 740.000 ô tô và 1.500 xe bus.

Các nghiên cứu trước đây cho biết phương tiện giao thông là nguồn phát thải carbon đen chính trong thành phố, và cũng là thứ tạo ra nguy cơ phơi nhiễm cho chính người tham gia giao thông.

Photograph: Kham/Reuters

Nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Atmospheric Environment ước tính trung bình chúng ta chỉ dành 6% thời gian mỗi ngày để tham gia giao thông, nhưng lại nhận về 21% tổng lượng phơi nhiễm carbon đen cá nhân từ đó. Nồng độ carbon đen trên phương tiện giao thông thường cao gấp từ 2-5 lần nồng độ carbon đen trong nhà.

Để kiểm tra thực trạng phơi nhiễm carbon đen khi tham gia giao thông ở Hà Nội, các nhà khoa học đã thực hiện một số thí nghiệm đo đạc thực tế trên các phương tiện bao gồm xe máy, xe bus và ô tô chở khách.

Giải thích lý do lựa chọn các phương tiện này, các tác giả nghiên cứu cho biết:

“Xe máy và xe bus là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Hà Nội nhờ tính cơ động (xe máy) và chi phí được trợ giá (xe bus). Dịch vụ xe ôm và giao hàng cũng rất phổ biến vì chúng phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam. Số lượng người đi làm bằng xe máy ở Hà Nội lớn hơn khoảng 10 lần so với số người sử dụng ô tô và taxi cộng lại.

Do đó, đánh giá mức độ phơi nhiễm của con người với carbon đen trong quá trình đi lại bằng xe máy và xe bus là rất quan trọng để hiểu được tác động của khí thải giao thông đối với sức khỏe người dân ở thành phố Hà Nội”.

Một số thù hình carbon đen dưới kính hiển vi

Trong nghiên cứu mới của mình, các nhà khoa học đã chọn khảo sát 2 tuyến xe bus dài tổng cộng 18 km xuất phát từ trung tâm thành phố đi ra ngoại thành:

Tuyến 08 (đoạn từ trạm trung chuyển Long Biên tới Bến xe Giáp Bát) là cung đường (R1) đi trong nội đô với các phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy và ô tô hạng nhẹ. Tuyến R1 này cũng đi qua một nút giao thông chính (IS01) giữa đường Giải Phóng và đường vành đai 2.

Tuyến 06B (đoạn từ Bến xe Giáp Bát tới Hồng Vân, Thường Tín) là cung đường (R2) đại diện cho cửa ngõ chính phía nam Hà Nội với lượng xe khách và xe tải lớn. R2 đi qua 2 bến xe liên tỉnh là Giáp Bát (IBS01) và Nước Ngầm (IBS02), cùng một giao lộ chính (IS02) giữa Giải Phóng và đường vành đai 3.

Source: Motorcyclists have much higher exposure to black carbon compared to other commuters in traffic of Hanoi, Vietnam

Trong khi ngồi trên xe bus, một khảo sát viên sẽ cố định hai thiết bị đo carbon đen, được gọi là máy microAeth AE51, trong túi áo. Cỗ máy có một ống nối dài lên cổ người đeo, có tác dụng hút không khí ở vùng trước mũi. MicroAeth AE51 sau đó sẽ báo cáo nồng độ carbon đen mà người đeo đang phơi nhiễm dựa trên các phép đo hiệu ứng hấp thụ ánh sáng.

Cùng thời gian thí nghiệm diễn ra, một khảo sát viên khác sẽ đi xe máy với các thiết bị đo tương tự phía trước hoặc song song với xe bus để thu thập dữ liệu so sánh. Họ thực hiện thí nghiệm này trong 2 khoảng thời gian là giờ cao điểm (16h-19h) và giờ thấp điểm (13h-16h).

Sau đó, thí nghiệm được lặp lại trong trường hợp một khảo sát viên bắt ô tô chở khách đi trên hai đoạn ngắn của 2 tuyến bus (R1’ và R2’), trong khung giờ cao điểm của hai ngày khác nhau, với hai trường hợp: tắt máy lạnh mở cửa sổ và đóng cửa sổ bật máy lạnh tuần hoàn.

Trong quá trình đo đạc, khảo sát viên có nhiệm vụ ghi lại những bất thường xảy ra trong môi trường nghiên cứu để phục vụ quá trình phân tích dữ liệu sau này.

Người đi xe máy ở Hà Nội đang bị phơi nhiễm carbon đen gấp 3 lần người đi xe bus

Trên đây là kết quả đo được trong nghiên cứu. Biểu đồ này cho thấy: Trong tất cả các điều kiện đo, người đi xe máy đều phơi nhiễm với một nồng độ carbon đen cao gấp khoảng 3 lần người đi xe bus.

Nồng độ carbon đen trung bình mà người đi xe máy phải tiếp xúc trên toàn tuyến đường là 29,4 μg/m3, trong khi của người đi xe bus là 10,1 μg/m3. Khảo sát với hành khách bắt ô tô taxi cho thấy mức phơi nhiễm trung bình 11,7 μg/m3 trong điều kiện đóng cửa sổ bật điều hòa tuần hoàn và lên tới 18,1 μg/m3 nếu họ mở cửa sổ.

Để so sánh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nồng độ carbon đen an toàn cho sức khỏe con người là dưới 20 μg/m3. Nồng độ carbon đen trong nhà và bên ngoài khu dân cư xung quanh thành phố Hà Nội lần lượt là 3,7 và 6,3 μg/m3.

Các tác giả nghiên cứu cho biết nồng độ carbon đen phụ thuộc vào mật độ giao thông trên tuyến đường. Nhìn chung, nguy cơ phơi nhiễm sẽ thấp hơn vào giờ thấp điểm hoặc vào cuối tuần và ngược lại, nó sẽ đạt đỉnh vào khung giờ cao điểm của ngày trong tuần.

Nguy cơ phơi nhiễm carbon đen cao nhất đặt lên những người đi xe máy trong khung giờ cao điểm của ngày trong tuần, họ sẽ phải tiếp xúc với một nồng độ trung bình lên tới 39 μg/m3.

Ngoài ra, dữ liệu trong thời gian thực cho thấy nồng độ carbon đen cao hơn rất nhiều khi họ đi qua các giao lộ và bến xe liên tỉnh và đặc biệt là khi dừng đèn đỏ ở các nút giao thông được coi là “điểm nóng ô nhiễm”:

Source: Motorcyclists have much higher exposure to black carbon compared to other commuters in traffic of Hanoi, Vietnam

Để làm rõ hơn nguy cơ phơi nhiễm, các nhà khoa học đã sử dụng một công thức tính lượng carbon đen mà một người tham gia giao thông có thể hít phải, dựa trên nồng độ carbon đen đo được, thời gian tiếp xúc và tốc độ hô hấp.

Kết quả cho thấy liều hít phải trung bình mỗi giờ của người đi làm trên các phương tiện giao thông khác nhau: Người đi xe máy cao nhất là 17,6 μg/h; kế đó là người đi ô tô cá nhân (vị trí lái xe) 11,3 μg/h, hành khách ngồi sau ô tô (người đi taxi) với cửa sổ mở 8,9 μg/h.

Người lái xe ô tô cá nhân với cửa sổ đóng vẫn hít phải 7,1 μg carbon đen mỗi giờ. Trong khi con số của hành khách đi xe bus chỉ là 4,7 μg/h.

Source: Motorcyclists have much higher exposure to black carbon compared to other commuters in traffic of Hanoi, Vietnam

“Những kết quả này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những người đi làm ở Hà Nội, cũng như ở các thành phố thuộc các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, nơi phương tiện giao thông phổ biến nhất vẫn là xe máy”, các tác giả nghiên cứu viết.

“Trong tình hình đó, các phương tiện giao thông công cộng như xe bus không chỉ giúp giảm lượng khí thải và ô nhiễm không khí ở các thành phố mà còn giúp người dân giảm tiếp xúc cá nhân với các chất ô nhiễm không khí trong quá trình đi lại.

Ô tô cá nhân (đóng cửa sổ) cũng có thể giúp giảm phơi nhiễm cá nhân với các chất ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, lựa chọn này vừa gây ô nhiễm hơn vừa gây tốn kém hơn cho đa số người dân ở các nước đang phát triển”.

Nguồn Thanh Long/ Pháp luật và bạn đọc
Bài cùng chuyên mục