Cảng HKQT Vân Đồn đạt hai giải thưởng khu vực châu Á 2020

Ngày 3/11/2020, tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) đã vinh danh Cảng HKQT Vân Đồn của Việt Nam là "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020".

Cụ thể, với hạng mục giải thưởng “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á – Asia’s Leading Regional Airport 2020”, Cảng HKQT Vân Đồn đã vượt qua 4 đối thủ lớn tại khu vực để giành chiến thắng, bao gồm sân bay quốc tế Bangalore của Ấn Độ; sân bay quốc tế Hàm Dương Tây An (Xi’an Xianyang) tại Thiểm Tây, Trung Quốc và 2 sân bay quốc tế Chubu Centrair và Fukuoka của Nhật Bản.

Trong đó, “đối thủ” nặng kí nhất chính là sân bay quốc tế Chubu Centrair của Nhật Bản. Đây là sân bay lớn, là cửa ngõ chính của khu vực miền Trung Nhật Bản, được SKYTRAX – Tổ chức xếp hạng vận tải hàng không quốc tế, trao giải thưởng “Sân bay khu vực 5 sao đầu tiên trên thế giới – The World’s first 5-Star Regional Airport” từ năm 2017.

Cảng HKQT Vân Đồn giành 2 giải thưởng quốc tế WTA. (Ảnh: SG).

Bên cạnh giải thưởng Asia’s Leading Regional Airport 2020, hệ thống phòng chờ thương gia – VIP, CIP Lounge tại Cảng HKQT Vân Đồn cũng được WTA bình chọn là “Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á – Asia’s Leading Airport Lounge 2020”.

Đây là năm thứ 11 liên tiếp giải thưởng giành cho hệ thống phòng chờ thương gia được WTA xếp hạng và trao giải.

2020 là năm đầu tiên VIP, CIP Lounge tại Cảng HKQT Vân Đồn tham gia hạng mục giải thưởng này và đã vượt qua 5 ứng viên tại 5 sân bay lớn trong khu vực châu Á gồm: Changi Lounge tại Jewel Changi Airport; GVK Lounge International by TFS Performa tại sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji (Mumbai, Ấn Độ); No. 77 China Eastern Plaza Premium Lounge tại sân bay quốc tế Shanghai Pudong (Hong Kong) và The Centurion® Lounge – Hong Kong International để giành chiến thắng. Trước đó, GVK Lounge International by TFS Performa tại sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji (Mumbai, Ấn Độ) đã 5 lần liên tục trụ hạng trên ngôi vị hàng đầu suốt từ các năm 2015 – 2019.

WTA khẳng định, Cảng HKQT Vân Đồn đã thỏa mãn một cách xuất sắc các tiêu chí đánh giá khắt khe về thiết kế tổng thể sân bay; hệ sinh thái xanh, chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng để giành hai giải thưởng lớn này.

Sân bay Vân Đồn sở hữu trang thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam. (Ảnh: GS).

Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp Vịnh Hạ Long, đội ngũ KTS Singapore đã tinh tế lồng ghép những hình ảnh biểu trưng cho văn hóa của vùng đất di sản trong một tổng thể kiến trúc hài hòa, định vị sân bay Vân Đồn là sân bay sinh thái xanh – sạch – hiện đại, biến quá trình chờ đợi làm thủ tục tại sân bay thành một hành trình trải nghiệm, khám phá.

Chủ đầu tư Sun Group đã trang bị tại đây một hệ thống trang thiết bị kĩ thuật hiện đại, nhập khẩu từ những thương hiệu hàng đầu thế giới nhằm tối ưu hóa các tiện ích cho hành khách, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi trong các khâu làm thủ tục.

Trong khi đó, phòng chờ thương gia VIP, CIP Lounge tại Cảng HKQT Vân Đồn có diện tích gần 1.400m2, bao gồm sảnh đón tiếp, khu phục vụ buffet và cocktail, khu vực trung tâm, phòng hút thuốc, toilet và phòng tắm riêng.

VIP, CIP Lounge được thiết kế theo phong cách sang trọng, hiện đại, toàn bộ thiết bị và vật liệu nội thất đều được nhập khẩu từ các hãng danh tiếng quốc tế, đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe của các hãng hàng không 5 sao nổi tiếng thế giới như Cathay Pacific, Emirates…

Vào giờ cao điểm VIP, CIP Lounge tại Cảng HKQT Vân Đồn có thể phục vụ tối đa 120 hành khách cùng lúc và công suất tối đa mỗi năm lên tới 15% công suất khách của toàn nhà ga.

Hệ thống phòng chờ thương gia tại SB Vân Đồn được bình chọn hàng đầu châu Á. (Ảnh: SG).

Ngoài ra, Cảng HKQT Vân Đồn cũng cung cấp các dịch vụ đón, tiễn khách long trọng theo tiêu chuẩn VIP như: Đón ngay trước khu vực nhập cảnh (chuyến bay thương mại) hoặc tại chân cầu thang máy (chuyến bay chuyên cơ); Trợ giúp làm thủ tục xuất – nhập cảnh (chuyến bay quốc tế); Hỗ trợ nhận hành lí nhanh nhất; Trợ giúp hành khách làm thủ tục hàng không; Tiễn khách tại cửa ra máy bay…

Năm 2019, Cảng HKQT Vân Đồn cũng vinh dự giành 2 giải thưởng là “Sân bay mới hàng đầu châu Á”; “Sân bay mới hàng đầu thế giới” do World Travel Awards trao tặng.

Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, sân bay Vân Đồn đã gánh trách nhiệm quốc gia nặng nghĩa tình, đó là đón người Việt từ các vùng dịch về nước an toàn.

Ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn cho biết, hai giải thưởng châu Á được WTA trao tặng hôm nay là minh chứng cho sự trưởng thành và nỗ lực phát triển của sân bay Vân Đồn, giúp sân bay ghi tên mình vào bản đồ hàng không thế giới.

“Đó cũng là niềm tự hào và động lực để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa, đem tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất”, ông Phạm Ngọc Sáu chia sẻ.

Tính đến 3/11/2020, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Cảng HKQT Vân Đồn đã phục vụ hơn 3.000 chuyến bay cất hạ cánh an toàn, với hơn 370.000 lượt hành khách, trong đó có hơn 40.000 lượt khách quốc tế.

Sân bay Vân Đồn được thiết kế với nhiều mảng xanh thân thiện. (Ảnh: SG).

Hiện tại, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cảng HKQT Vân Đồn vẫn đang khai thác ổn định đường bay quốc nội Vân Đồn – TP HCM, đón công dân Việt Nam từ các nước có dịch về nước và đưa đón chuyên gia, lao động chất lượng cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc.

Tất cả các chuyến bay đến – đi từ sân bay Vân Đồn đều được đánh giá an toàn nhờ quy trình phòng dịch đặc biệt.

Cảng HKQT Vân Đồn sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không trong nước và quốc tế xúc tiến mở lại các đường bay khác trong thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế.

Sân bay quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỉ đồng. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân đầu tư tại Việt Nam và hoàn thành chỉ sau hai năm thi công xây dựng.

Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế – ICAO), có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, Airbus 350, với 07 vị trí đỗ. Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách mỗi năm và dự kiến đạt 5 triệu khách/năm vào năm 2030.

Nguồn Bích Thu/ Kinh tế - Tiêu dùng
Bài cùng chuyên mục