Hàng chục dự án bất động sản chờ lời hứa gỡ “nút cổ chai” trên Quốc lộ 13

Nếu “nút cổ chai” trên Quốc lộ 13 (đoạn chạy qua TP.HCM) được tháo bỏ như lời hứa của các cơ quan chuyên môn, hàng chục dự án bất động sản trong khu vực sẽ được “tháo gông” tắc nghẽn, nhưng ít nhất cũng phải chờ vài năm nữa.

Bất động sản Bình Dương đây đang đón nhận nhiều dự án mới. Ảnh: Việt Dũng

Kỳ vọng đầu tư công

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP.HCM, Quốc lộ 13 được xem là trục xương sống giao thông trong tổng thể kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương, nhưng nhiều năm qua, đoạn chạy qua TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải, ách tắc kéo dài.

Theo ghi nhận thực địa, trên Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, TP.HCM, vào giờ cao điểm, có hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp, cả rừng người nhích từng chút một trong khói bụi.

Đoạn đường này luôn trong tình trạng quá tải bởi đây là tuyến đường ngắn nhất từ trung tâm TP.HCM đi Bình Dương, lượng lớn công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) phải di chuyển qua con đường này.

Đặc biệt, đoạn cầu Ông Dầu bắc qua rạch Dừa (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) có bề mặt rất nhỏ, khiến hai chiều xe lưu thông gặp khó khăn. Tương tự, cầu Bình Triệu bắc qua sông Sài Gòn (nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh) có mặt cầu không đủ rộng, dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng trong giờ cao điểm.

Để giải quyết tình trạng này, UBND TP.HCM từng đã có kế hoạch mở rộng lộ giới Quốc lộ 13 lên 60 m để đồng bộ với đoạn đường qua Bình Dương, nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Thông tin cụ thể về tiến độ dự án này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM cho biết, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trước đây nằm trong dự án BOT Cầu Bình Triệu do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do có các thay đổi về chủ trương nên trong tháng 6/2019, UBND Thành phố lại giao nhiệm vụ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu.

Theo ông Phúc, hiện Sở Giao thông – Vận tải đang chủ trì công tác xác định khối lượng do nhà đầu tư đã thực hiện để kết thúc hợp đồng với nhà đầu tư. Sau khi các bên kết thúc hợp đồng BOT nói trên, Sở Giao thông – Vận tải Thành phố sẽ trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án này.

Thông tin cho biết, nếu Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu được thực hiện theo hình thức đầu tư công và thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021 thì dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Từ ranh Bình Dương trở vào TP.HCM bị thắt cổ chai nên việc lưu thông rất khó khăn. Ảnh: Lê Toàn

“Việc chậm tiến độ có một phần trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nhưng đây không phải là vấn đề lớn vì hiện các đơn vị này đủ năng lực để thực hiện dự án. Chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình sẽ được thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng”, ông Phúc cam kết.

Không chỉ tại TP.HCM, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cải tạo và mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (Km1 + 315) đến điểm giao đường Lê Hồng Phong (Km15 + 018,28) thành 8 làn xe cùng vỉa hè, cây xanh và hệ thống thoát nước đồng bộ. Dự kiến, dự án hoàn thành trước năm 2023 và khi đó, cư dân những đô thị mới của tỉnh như TP. Thuận An, TP. Dĩ An vào TP. HCM thông qua Quốc lộ 13 chỉ còn khoảng 20 – 30 phút, ngang tầm quận 9, Thủ Đức vào trung tâm TP.HCM.

Chủ đầu tư bất động sản trông ngóng

Dẫu dự án mới đang thực hiện chủ trương đầu tư, nhưng việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công vốn đang được cổ vũ thời gian gần đây khiến các chủ đầu tư bất động sản trong khu vực “phập phồng” hy vọng. Những biến chuyển của thị trường bất động sản Bình Dương gần đây cũng cho thấy điều này khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư địa ốc mới. Hàng loạt các ông lớn như Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Thiên Minh Group, Đất Xanh Group, Phát Đạt, Danh Khôi… đã thâu tóm quỹ đất rất lớn để chuẩn bị phát triển các dự án.

Một điểm đáng lưu ý nữa cũng được cho là chịu tác động của dự án tháo “nút cổ chai” trên Quốc lộ 13 là nếu như thời gian trước đây, các dự án bất động sản tập trung phần lớn ở Thành phố mới Bình Dương, TP. Thủ Dầu 1, thị xã Bến Cát thì gần đây sự dịch chuyển diễn ra rõ rệt tại TP. Dĩ An, TP. Thuận An…, dọc theo tuyến Quốc lộ 13.

Có thể kể đến một số dự án như Opal Skyline, Opal Central Park với khoảng 10.000 sản phẩm do Tập đoàn Đất Xanh phát triển tại trung tâm TP. Thuận An; Dự án Astral City của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt tọa lạc ngay mặt tiền đường Quốc lộ 13, được xây dựng trên khu đất vàng rộng 3,73 ha bao gồm 8 block cao 40 tầng nổi và 3 tầng hầm. Dự án này dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 4.982 căn hộ loại từ 1 đến 3 phòng ngủ, giá bán dự kiến từ 40 triệu đồng/m2 trở lên.

Một số chủ đầu tư nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc, chẳng hạn chủ đầu tư SP Setia Group đến từ Malaysia đang tập trung triển khai Dự án Eco Xuân tọa lạc ngay mặt tiền Quốc lộ 13, là khu tổ hợp căn hộ , nhà phố, văn phòng, shophouse, giáo dục với tổng diện tích toàn khu 10,8 ha. Được biết, những phân khu đầu tiên của dự án này sẽ hoàn thành năm 2022.

Ngoài ra, còn khá nhiều các dự án khác trong khu vực Thuận An đang manh nha triển khai với mức giá được úp mở thông tin cho các môi giới rằng sẽ tăng mạnh 40 – 60% so với 1 – 2 năm trước. Hiện phần lớn các dự án dọc theo trục Quốc lộ 13 đã có giá dao động từ 30 – 45 triệu đồng/m2, và dự báo còn tiếp tục tăng khi Dự án cải tạo Quốc lộ 13 chính thức thành hình.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group – một doanh nghiệp chuyên phát triển dự án bất động sản tại Bình Dương, nhận định rằng, việc mở rộng Quốc lộ 13 không chỉ tạo nền tảng cho các dự án bất động sản mà còn có ý nghĩa tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với Bình Dương.

“Khi khoảng cách rất gần giữa TP.HCM và Bình Dương trở nên thông thoáng hơn, xu hướng giãn dân ra vùng vệ tinh TP.HCM tự nhiên sẽ được hiện thực hóa”, ông Phúc nói.

Đưa ra dự báo về thị trường bất động sản Bình Dương trong thời gian tới, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Eximrs cho rằng, TP.Dĩ An và TP.Thuận An tới đây sẽ là đầu tàu và đón lượng lớn người lao động tại các khu công nghiệp cũng cư dân từ TP.HCM bởi “số lượng người dân TP.HCM có tâm lý muốn giãn ra ngoại thành, ra các đô thị vệ tinh là rất lớn”.

NguồnViệt Dũng/ Tinnhanhchungkhoan.vn
Bài cùng chuyên mục