Bến xe đìu hiu, bến “dù” tấp nập
Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, Bến xe miền Đông mới (quận 9, TP.HCM) vẫn khá thưa thớt khách. Trong khi đó, tại các bến xe “lậu”, nhiều nhà xe vô tư đón khách tràn lan. Tình trạng này đã từng bị cơ quan chức năng xử lý, chấn chỉnh nhưng nay rộ trở lại do Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới chưa thuận lợi cho hành khách và nhu cầu vận chuyển cuối năm gia tăng.
Lo vắng khách
Trong những ngày qua, ngoài nhu cầu di chuyển chưa nhiều của người dân do dịch Covid-19, thì chỉ có một số ít tuyến xe khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc khai thác ở BXMĐ mới. Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt kết nối với khu vực bến xe này từ các địa điểm khác trong thành phố cũng rất ít hành khách.
Để tăng lượng khách cho bến, một số tuyến xe buýt như tuyến 55 Công viên phần mềm Quang Trung – Khu công nghệ cao (quận 9), tuyến xe 76 Long Phước – Suối Tiên – đền thờ Vua Hùng, tuyến số 93 Bến Thành – Đại học Nông Lâm TP.HCM kết nối vào BXMĐ mới… được điều chỉnh đưa người dân đến đây nhưng cũng trong tình trạng khá ít khách.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trong những ngày cuối tháng 11, dù là ngày cuối tuần nhưng khu vực quầy bán vé của BXMĐ mới rất đìu hiu. Chúng tôi ngồi quan sát khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng chỉ có gần 10 người vừa tới mua vé, vừa để gửi hàng hóa.
Anh Nguyễn Hữu Thông (47 tuổi, tài xế của một doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hà Nội – TP.HCM) chia sẻ: “Cho đến nay, người dân vẫn chưa quen việc đi xa cả đoạn đường 20km để ra bến xe mới. Vì thế, hiện tại các hành khách vẫn tập trung ở bến xe cũ. Nhưng hơn một tháng nữa thì chúng tôi phải dời về BXMĐ mới nên rất lo vắng khách”.
Ngược lại, xe ngoài bến có một số lợi thế hơn, đón, trả khách đến tận nhà nên vẫn thu hút được khách. Hành khách đi các tỉnh miền Tây, miền Đông và nhiều tỉnh, thành khác vẫn trung thành và chọn xe của các công ty P.T., T.B… vì được phục vụ nhiệt tình, về bến đúng giờ.
Một lãnh đạo của Công ty P.T. cho biết: “Xe trung chuyển là xe 16 chỗ, do vậy có thể trả khách dọc đường. Để phục vụ nhu cầu thăm thân nhân, khám, chữa bệnh, xe trung chuyển có thể đưa khách đến các bệnh viện lớn”.
Theo đại diện lãnh đạo BXMĐ mới, do mới đưa vào khai thác nên hành khách chưa sử dụng bến này nhiều. Trung bình các chuyến xe xuất bến chỉ có chừng 10 hành khách mỗi chuyến. Đại diện BXMĐ mới cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ xử lý nạn “xe dù, bến cóc” khu vực gần bến xe. Điều này sẽ tạo điều kiện cho xe khách ra vào bến an toàn, không gây ùn tắc giao thông. Đồng thời, mong muốn Sở GTVT TP.HCM cần đẩy nhanh cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối để bến xe hoạt động hiệu quả hơn, khai thác hết công suất.
Bến trái phép ngang nhiên tồn tại
Trong khi đó, nằm đối diện với BXMĐ cũ, là 2 bãi giữ xe số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (thuộc phường 26, quận Bình Thạnh). Gắn “mác” là bãi giữ xe, nhưng từ lâu các bãi xe này đã biến tướng hoạt động không khác gì bến xe khách. Điều đáng nói, 2 bến xe trái phép này ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm nhưng chưa được các ngành chức năng xử lý dứt điểm.
Chiều ngày 26/11, chúng tôi có mặt tại 2 bãi xe này và ghi nhận phía bên trong bãi có hàng chục xe khách, loại 45 chỗ đi các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc đang xếp hàng hóa lên xe và chờ đón khách để xuất bến. Phần đông xe mang biển số tỉnh Bình Định của các nhà xe B.N, H.S., H.N., H.T…, một vài xe khác mang biển số Hà Nội, Thanh Hóa…
Vừa gặp chúng tôi, chị H. ngồi ngay cổng đón chào xởi lởi: “Mấy chú đặt vé chưa? Nhà xe nào? Nhiều xe ở bãi này về Bình Định, nhưng mỗi xe về một địa phương khác nhau. Do vậy, xe đưa đến tận nhà, tiện lợi hơn ở bến xe nhiều. Vả lại, Bến xe Miền Đông mới lại xa quá, hành khách cũng ngán ngại”. Tại khu vực bên ngoài cổng còn có người canh gác, với nhiệm vụ chính là kiểm kê các xe khách và thu tiền vé xe gắn máy của người dân khi vào trong bãi, với mức giá 5.000 đồng/lượt.
Ông Nguyễn Khánh Nhân (53 tuổi, làm nghề chạy xe ôm trước cổng BXMĐ cũ cho biết: “Hai bãi xe này hoạt động như một bến xe suốt nhiều năm qua, nhộn nhịp nhất là các dịp lễ, tết. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe, hỗn loạn, nhất là vào thời điểm sáng sớm các xe đổ về TP.HCM hoặc những khung giờ cao điểm chiều tối”.
Theo ghi nhận, xung quanh BXMĐ cũ còn có nhiều nhà xe khác phục vụ đưa khách đi các tỉnh Tây Nguyên. Thậm chí, nhiều nhà xe nhận chuyển khách về một huyện của tỉnh Gia Lai và có xe đưa, đón hành khách tại các quận, huyện trong thành phố.
Tương tự, khu vực dưới chân cầu vượt Ngã tư Ga (thuộc địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12) lâu nay cũng trở thành một điểm đón, trả khách gây mất an toàn giao thông. Tối 26/11, chúng tôi có mặt tại khu vực chân cầu vượt Ngã tư Ga, chỉ trong vòng 30 phút đã có hàng chục chuyến xe khách đi các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên dừng lại để đón khách. Thậm chí có những xe dừng lại đến 20 phút, xếp từng hàng dài, khiến giao thông qua khu vực này hỗn loạn.
Đang chờ đón xe dưới chân cầu, bà Vũ Thị Ngọc Hạnh (45 tuổi, ngụ tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Tôi tới TP.HCM để khám chữa bệnh, ở phòng trọ với con gái tại quận Gò Vấp, nên khi về tiện chỗ nào thì mình ra chỗ đó thôi, lúc đi thì nhà xe đưa thẳng tới bệnh viện luôn. Nếu bắt xe ngược trở ra BXMĐ thì rất tốn thời gian và tiền bạc. Hơn nữa, dù sao nhà xe cũng ghé tại đây để đón khách nên tôi ra đây luôn”.
Cũng trong đêm 26/11, chúng tôi di chuyển tới khu vực ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), nơi được xem là bến cóc mà nhiều “xe dù” thường tập kết cạnh các cây xăng N.H, P.T để đón khách, hoạt động rất nhộn nhịp, bất kể ngày đêm trên quốc lộ 13. Những chiếc “xe dù” này ngang nhiên dừng đậu bên đường và lấn chiếm luôn làn đường dành cho xe 2 bánh để đón khách dọc đường. Đa phần các xe này chủ yếu chạy tuyến từ TP.HCM đi Đà Lạt, các tỉnh miền Trung và phía Bắc.
Tại đây, hành khách chỉ cần đứng chờ là ngay lập tức được đội quân lơ xe nhanh chóng ra hiệu lệnh, bấm còi, vẫy tay, đưa người và hành lý lên xe trong tích tắc. Chỉ chưa đầy 25 phút, chúng tôi ghi nhận có hơn 10 chiếc xe đủ loại, từ 16 chỗ đến 45 chỗ ra vào liên tục với số lượng khách lên đến hàng trăm người, tạo nên một khung cảnh nhốn nháo, mất an toàn giao thông.
Thực trạng các nhà xe không đưa xe vào bến xe và đón, trả khách bên ngoài đang nở rộ trở lại. Tình hình này đã khiến cho BXMĐ cũ và mới đang đi vào hoạt động không khai thác hết công suất như quy mô xây dựng. Trong khi xe dù, bến cóc đã tồn tại từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng ra quân dọn dẹp theo kiểu “xuân, thu nhị kỳ” rồi đâu lại vào đấy mà chưa có biện pháp xử lý triệt để. Điều này đang gây bất ổn trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng.
Bộ GTVT vừa có Quyết định 2128/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch “Công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021”. Quyết định này yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý chuyên ngành, sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh, chuẩn bị công tác vận tải dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2021, đáng chú ý là xử lý vi phạm tại một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ: Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT TP.HCM và một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định; chỉ đạo các sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19…