Lạm phát: Câu chuyện của năm 2019

Lạm phát có lẽ đang là vấn đề được quan tâm nhất trên phạm vi toàn cầu. Lạm phát tăng nhanh đã buộc ngân hàng trung ương (NHTƯ) của nhiều nước phải tăng lãi suất nhằm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ (tight monetary policy). Thậm chí, NHTƯ Argentina vừa phải tăng lãi suất (policy rate) từ 45 lên 60%/năm vào ngày 31-8-2018.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam hoàn toàn khả thi trong năm 2018

Quốc hội đã giao Chính phủ nhiệm vụ kiểm soát CPI bình quân tăng không quá 4% trong năm 2018. Tính đến hết tháng 8-2018, CPI bình quân đang ở mức 3,52%. Để kiểm soát CPI bình quân tăng không quá 4% thì cần phải giữ cho CPI tăng không quá 0,79%/tháng trong bốn tháng còn lại của năm 2018. Đây được xem là mục tiêu hoàn toàn khả thi khi mà các yếu tố có khả năng tác động mạnh đến lạm phát không còn nhiều. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để chắc chắn đạt được mục tiêu.

lạm phát, chỉ số tiêu dùng,

Năm 2019 sẽ có nhiều rủi ro khó lường

Trong năm 2018, để có thể kiểm soát được CPI, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, kể cả các giải pháp mang tính hành chính như hoãn tăng giá điện, thuế môi trường với xăng dầu hay giảm giá dịch vụ y tế…

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức rằng sẽ không thể hoãn tăng hay giảm giá mãi như vậy được vì sẽ ảnh hưởng đến cân đối thu – chi ngân sách của quốc gia. Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp hành chính sẽ để lại những hậu quả khó lường trong dài hạn như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Do vậy, áp lực đầu tiên trong việc kiểm soát lạm phát năm 2019 sẽ đến từ chính những yếu tố nội tại của nền kinh tế. Mặc dù vậy, những yếu tố bên ngoài mới là áp lực chính, chứa đựng bất ngờ, có thể ảnh hưởng mạnh đến lạm phát nhưng lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan điều hành trong nước.

Thứ nhất, đó là diễn biến của giá dầu mỏ thế giới. Những căng thẳng về chính trị giữa các nước có thể đẩy giá dầu mỏ leo thang như diễn biến của những năm 2008-2009 khi chạm mức đỉnh 147 đô la Mỹ/thùng. Mặt hàng xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI của Việt Nam. Do đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến CPI. Không chỉ vậy, do xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác nên sự tăng giá của nó sẽ tiếp tục làm tăng giá các mặt hàng khác.

Thứ hai, tính đến thời điểm hiện tại thì tiền đồng (VND) của nước ta đang mất giá ít hơn so với rất nhiều đồng tiền khác như CNY của Trung Quốc, THB của Thái Lan, IDR của Indonesia… Kết quả này đồng nghĩa với việc VND đã gián tiếp lên giá so với các đồng tiền đó. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hậu quả của xu hướng này chính là nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo dự thảo lần thứ nhất về tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 đã nâng mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân lên mức 4-5%, tức là dưới 5% và cũng có nghĩa là tăng thêm 1 điểm phần trăm so với mục tiêu của năm 2018.

Cần chủ động có thêm các giải pháp mang tính dự phòng

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã đẩy lạm phát của Việt Nam lên mức trên 18% vào năm 2011. Mặc dù kịch bản này khó có khả năng lặp lại nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan được khi mà các yếu tố có khả năng chi phối đến lạm phát lại đến từ bên ngoài như phân tích ở trên. Để có thể kiểm soát lạm phát trong năm 2019, cần phải có các giải pháp cụ thể ngay từ bây giờ.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô như đã làm trong năm 2017 và 2018. Yếu tố cốt lõi và sâu xa đã đẩy lạm phát của Việt Nam lên trên hai con số trong quá khứ là cung tiền.

Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc triển khai các dự án đầu tư công theo hướng tuyệt đối không triển khai các dự án có tính lan tỏa thấp, tập trung vào các dự án có quy mô lớn và rút ngắn tối đa thời gian triển khai. Ngoài ra, cần phải xây dựng các kế hoạch với các vùng đệm để dự phòng trong trường hợp lạm phát bùng lên trên phạm vi toàn cầu.

Trước những diễn biến khó lường của lạm phát trong thời gian tới thì các doanh nghiệp và bản thân mỗi người dân cũng cần phải có các giải pháp riêng cho mình để giảm thiểu ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực. Tiết kiệm chi phí sản xuất, tránh để hàng tồn kho ở mức cao là những giải pháp các doanh nghiệp có thể thực hiện được ngay.

Ngoài ra, đối với các dự án mới thì doanh nghiệp cần tính đến việc huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thay vì từ các ngân hàng để tránh nguy cơ gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Còn đối với người dân, cần hạn chế ở mức tối đa việc vay vốn cho mục đích tiêu dùng trong dài hạn. Điển hình là hoạt động vay mua nhà, cần phải rút ngắn thời gian trả nợ và giảm tỷ lệ vay nợ, mức an toàn theo tính toán của các chuyên gia kinh tế là tối thiểu 50%.

Đông Hà/Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bài cùng chuyên mục