Hàng giả vẫn ‘sống’: Đâu là kẽ hở?

"Văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng; còn có kẽ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động…", ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định.

Xử lý 11.199 vụ vi phạm gian lận thương mại và hàng giả

Theo thông tin được công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm trên địa bàn TP.Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP.Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra 12.967 vụ, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018; xử lý hành chính 11.199 vụ, khởi tố hình sự 89 vụ đối với 11 đối tượng; trong đó, hàng cấm nhập lậu là 1.723 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 680 vụ; gian lận thương mại gần 8.800 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu là gần 3.000 tỷ đồng.

QLTT Hà Nội phát hiện số lượng lớn đồng hồ được bán theo cân tại chợ Ninh Hiệp. Ảnh: TTXVN. 

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP vẫn diễn ra các hiện tượng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi phương thức vận chuyển theo hướng giảm vận chuyển số lượng hàng nhập lậu giá trị cao thay vì đường bộ mà chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị lớn như: ma túy tổng hợp, heroin, ngoại tệ, sừng tê giác…

Đâu là kẽ hở?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, các đối tượng thường giấu hàng theo người, trong hành lý, không khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh, lợi dụng quy định được miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép hàng lậu hoặc chia nhỏ số lượng hàng hóa, gửi nhiều về địa chỉ khác nhau.

Trong khi đó, đối với hàng lậu, được các đối tượng hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, thay vì tập kết trên xe có trọng tải lớn như các năm trước đây, các đối tượng thường xé lẻ hàng hóa và vận chuyển bằng xe mô tô, xe máy có trọng lượng nhẹ từ biên giới hoặc từ các tỉnh giáp ranh với Hà Nội như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên… vào sâu trong nội địa.

 Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Ông Thái chia sẻ, mặc dù việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được các cơ quan chức năng rất quan tâm, nhưng vẫn còn tồn tại sự thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương nên chưa có chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại luôn tìm mọi cách để đối phó với các lực lượng chức năng.

Ngoài ra, còn một bộ phận lực lượng chức năng chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

Việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị tuy đạt được kết quả tích cực nhưng đôi lúc chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm.

Văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng; còn có kẽ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động…

Theo Thanh Minh/ VietQ.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục