TP.HCM sắp có 2.009 căn hộ từ việc xây mới các chung cư cũ
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về công tác cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn.
Thực hiện kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc đẩy mạnh công tác tổ chức thiết lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn theo đúng quy định của Chính phủ; triển khai ngay việc di chuyển, bố trí tạm cư và thực hiện cải tạo, xây dựng lại đối với các nhà chung cư cũ đã xác định thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân. Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND TP và kiến nghị chỉ đạo.
Cụ thể, về tổ chức thiết lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ: UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình cải tạo, sửa chữa chung cư, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 – 2020.
Từ năm 2016 đến tháng 9/2020, Sở đã hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975. Công tác lập, phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975: toàn bộ 15 quận có chung cư cũ đã ban hành kế hoạch, toàn bộ 6 quận có chung cư cấp D đã ban hành kế hoạch.
Về chuẩn bị quỹ nhà tạm cư, UBND TP chấp thuận cho UBND các quận sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước đủ để tạm cư, tái định cư cho các hộ dân cư đang ngụ tại chung cư cấp D, có cơ sở cho UBND các quận lập, phê duyệt phương án và tổ chức di dời tạm trú, tái định cư cho các hộ dân. Đồng thời, UBND TP đã chấp thuận cho UBND các quận tự ứng ngân sách chi tạm cư cho các hộ dân trong trường hợp người dân không đồng ý tạm trú tại các quỹ thuộc sở hữu Nhà nước.
Hiện TP.HCM đã thảo thuận, di dời 19 chung cư với 879 hộ dân, trong đó, di dời toàn bộ 6/15 chung cư cấp D với 333 hộ dân, đang tiếp tục di dời 5 chung cư với 200/566 hộ dân, tổng cộng đã di dời 533/1023 hộ dân. Đối với chung cư không phải cấp D đã di dời toàn bộ 8 chung cư với 46 hộ dân.
TP đã tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư với hơn 123.211,4 m2 sàn, trong đó, đã tháo dỡ 4/15 chung cư cấp D với 14.470 m2 sàn, 6 chung cư không phải cấp D với 108.741 m2 sàn. Hoàn thành xây dựng mới 2 chung cư với quy mô 88.187 m2 sàn, 876 căn hộ (chung cư số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; khu B chung cư Nguyễn Kim, quận 10). Đang thi công xây dựng 3 chung cư quy mô 260.833,54 m2 sàn với 2.009 căn hộ (chung cư 251 đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình; 289 đường Trần Hưng Đạo, quận 1; chung cư Cô Giang, quận 1).
Như vậy, từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2020, thành phố cải tạo, sửa chữa 199 chung cư, đã di dời được 14 chung cư, trong đó, 6 chung cư cấp D, 8 chung cư không phải cấp D với tổng số 213/237 chung cư, đạt tỷ lệ 89,87%.
Từ tình trạng trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ địa bàn, tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch theo quy định. Triển khai ngay việc di dời, bố trí tạm cư và thực hiện cải tạo, xây dựng lại đối với các nhà chung cư cũ đã xác định thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân trong năm 2020.
Trong đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP.HCM năm 2021 – 2030, Sở Xây dựng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho chủ đầu tư được miễn phí thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước đối với phần tích còn lại tại tòa nhà chung cư thuộc quyền sử dụng chung hoặc chủ sở hữu Nhà nước mà trước đây Nhà nước không phân bổ vào diện tích bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho các hộ dân cư (hành lang, cầu thang, lối đi chung…)
Đồng thời, tổ chức vận hành, tuyên truyền giải thích cho các hộ dân trong chung cư cũ nhận thức và hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, qua đó đồng tình, ủng hộ trong việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ. Xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đối với các chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng.