Căn hộ bình dân ở TP.HCM chỉ còn khoảng… 1%

Trong thời gian qua, tỷ lệ căn hộ bình dân tại TP.HCM giảm từ 51% xuống còn 1%, còn phân khúc căn hộ cao cấp thì tăng lên mạnh mẽ. Điều này cho thấy thị trường bất động sản TP.HCM đang phát triển cực kỳ mất cân đối, thiếu bền vững và chưa đảm bảo an sinh xã hội.

Từ năm 2019, việc siết thủ tục triển khai dự án của cơ quan chức năng khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh thiếu cung nghiêm trọng. Tuy nhiên, năm 2020 tình trạng này còn “bi đát” hơn vì bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo số liệu thống kê gần đây của Sở Xây dựng TP.HCM, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 đã giảm 34% so với năm ngoái, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm đến 98,7%.

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng TP nhận định, thị trường bất động sản TP.HCM cơ cấu sản phẩm đang cực kỳ mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội. Bởi theo nhu cầu thực tế, tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Nhưng thời gian qua tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1% (giảm 98,7%), chiếm tỷ lệ thấp nhất, ngược lại phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9% (tăng 66,2%), phân khúc căn hộ cao cấp tăng từ 25,2% lên 42,1% (tăng 16%). Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ rõ sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.

Hiện nay phân khúc căn hộ bình dân đang dần biến mất khỏi thị trường bất động sản

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến hết quý 3/2020, TP.HCM có gần 80.000 sản phẩm được chào bán trên thị trường, nhưng 70% trong đó là lượng hàng tồn kho từ các năm trước, còn nguồn cung 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm mới chào bán lần đầu. Con số này chỉ bằng 35% so với năm 2019, 20% so với năm 2018.

Còn theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường DKRA Việt Nam, tính đến tháng 11/2020, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM chỉ đạt 15.000 căn. Trong khi đó, nếu xét trong giai đoạn 2017–2018, nguồn cung tung ra thị trường đã vào khoảng 50.000 căn, hoặc năm ngoái cũng là 25.000 căn. Đây là 1 trong những nguyên nhân làm giá nhà tăng.

Không có sản phẩm mới và tâm lý thị trường xuống thấp đã kéo thị trường ngày càng giao dịch lao dốc. Theo số liệu của batdongsan.com.vn cũng cho thấy dù lượng tin đăng duy trì ổn định nhưng mức độ quan tâm bất động sản của người tìm kiếm giảm tới 9% so với năm 2019. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm gần đây.

Đối với phân khúc đất nền, liên tục trong 10 tháng đầu năm 2020 lượng tin đăng sụt giảm từ 25–40% so với cùng kỳ. Mức độ quan tâm đất nền TP.HCM giảm 3,5 lần so với thời điểm 2018.

Theo HoREA, lượng giao dịch căn hộ 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 6.800 căn, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019 và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay. Với phân khúc đất nền, sức tiêu thụ thậm chí sụt giảm đến 67% so với năm ngoái.

Từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản suy giảm đã thể hiện rõ, nhiều người cho rằng nguy cơ tiềm ẩn “vỡ bong bóng” bất động sản, song song với sự chững lại của thị trường đã khiến các nhà dầu tư lo ngại về kịch bản thị trường đóng băng sẽ lặp lại như 2011–2012. Bước sang năm 2020, nguồn cung mới cũng giảm, sức mua bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 làm suy giảm kinh tế, thu nhập, thị trường thứ cấp kém sôi động, nhưng giá vẫn tăng. Theo các chuyên gia bất động sản, đây là một nghịch lý của thị trường, chưa từng xảy ra.

NguồnBích Trần/ Báo Phụ Nữ TP.HCM
Bài cùng chuyên mục