Thị trường bất động sản: Hai phân khúc vào tầm ngắm của doanh nghiệp FDI

Bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng được đánh giá là 2 phân khúc nổi bật trong thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo.

Mặc dù chịu tác động của Covid-19, nhưng trong năm 2020, lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tương đối khá.

Biển lặng, chờ sóng lớn

Trong suốt một thời gian dài, bất động sản luôn là lĩnh vực có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến – chế tạo. Dù vậy, năm 2020, trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, sự trì trệ và khủng hoảng của kinh tế thế giới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sụt giảm nhất định.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2020, cả nước có 6.694 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới, giảm 15,5% so với năm 2019. Trong khi đó, có 978 doanh nghiệp phải giải thể trong năm qua.

Mặc dù chịu tác động không nhỏ từ Covid-19, nhưng trong năm 2020, lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tương đối khá, với 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Trong số này, có tới 2 tỷ USD được đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Đặc biệt, trong tháng 11/2020, thời điểm thị trường đang bước vào giai đoạn hậu bình thường mới, đã có 2 dự án FDI với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng vốn FDI vào bất động sản của cả năm.

Đó là, Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (Starlake) tại Hà Nội, do Daewoo E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, điều chỉnh vốn đầu tư thêm 774 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng tại 29 – Liễu Giai (Central Palace) cũng tại Hà Nội, do thành viên của Tập đoàn CapitaLand (Singapore) làm chủ đầu tư, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ và vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài.

– Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

“Đây là tín hiệu cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ và vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.

Vị chuyên gia này nhận định, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, với những lợi thế của mình, như ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công cuộc số hóa nền kinh tế… Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là nơi đầu tư ổn định, an toàn.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính của Savills Hà Nội, với nhu cầu chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp và việc thực hiện cắt giảm nguồn nhân công để giảm chi phí, thời gian qua, thị trường đã đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản khu công nghiệp và kinh doanh hạ tầng lưu trú gần khu công nghiệp. “Làn sóng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới”, bà Vân nhận định.

Bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng nằm trong tầm ngắm

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, 2020 là một năm đầy thách thức do dịch bệnh tác động đến nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản không những trụ vững, mà còn phát triển khá tốt ở một số phân khúc, đặc biệt là bất động sản công nghiệp.

Ông Khương cho rằng, nguồn lực chính vẫn là các nhà đầu tư trong nước, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài giống như những điểm kích ở trung tâm thị trường.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Bên cạnh triển vọng khá sáng sủa của bất động sản công nghiệp, thì bất động sản phục vụ mô hình nghỉ dưỡng kết hợp du lịch, giải trí và chăm sóc sức khỏe tại chỗ cũng có cơ hội phục hồi và sẽ có thể nở rộ trong thời gian tới.

Ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá, phân khúc này hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, văn hóa, thể chế. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào phân khúc này phải hướng đến các sản phẩm quy mô lớn, đạt đẳng cấp chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh.

Khác với bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được nhận định sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2021. Nhưng, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra.

“Thay vì bi quan, các doanh nghiệp bất động sản hãy xem những khó khăn trước mắt như là một điểm để bắt đầu tạo ra các tiền đề cho tương lai. Khi đầu tư vào các cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, thông thường thời gian hoàn vốn là 10 năm, nên 1 – 2 năm khó khăn không phải là vấn đề quá lớn”, ông Khương nói.

Ông Khương cũng cho biết, hầu hết khách sạn, trung tâm thương mại trên thị trường Việt Nam đã hoạt động được 5 – 7 năm, nên đã có được dòng tiền tích lũy để vượt qua khó khăn trước mắt.

Nguồn Trọng Tín/ baodautu.vn
Bài cùng chuyên mục