Sở Xây dựng TP.HCM: Năm 2021 sẽ có sự điều chỉnh phân khúc bất động sản
Sở Xây dựng dự báo TP.HCM dự báo sẽ có điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung – cầu, đảm bảo trong việc phát triển phân khúc bất động sản bình dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2020, có tổng cộng 31 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 16.895 căn nhà (trong đó có 15.275 căn hộ, 1.617 căn nhà thấp tầng và 3 căn biệt thự), tổng giá trị cần huy động vốn là 66.674 tỷ động. Trong đó, 7.114 căn phân khúc cao cấp (chiếm 42,1%), 9.618 căn phân khúc trung cấp (chiếm 56,9%) và 163 căn phân khúc bình dân (chiếm tỷ lệ 1%).
Như vậy, so với nguồn cung nhà ở năm 2019, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 giảm 34% so với năm ngoái, tổng số căn nhà giảm 30,4%, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm tới 98,7%.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng TP nhận định rằng, thị trường bất động sản TP.HCM cơ cấu sản phẩm đang mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội vì theo nhu cầu thực tế.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiềm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, sắp tới TP.HCM sẽ có điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung – cầu này.
Qua nắm bắt thị trường, Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, tại một số dự án nhà ở thấp tầng ở các khu đô thị mới có dấu hiệu xảy ra tình trạng sốt nóng cục bộ. Hiện các Sở, ngành liên quan đang cùng phối hợp theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Ông Phạm Lâm – Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam chia sẻ, hiện nay, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung mới do các thủ tục tại TP.HCM vài năm gần đây bị siết chặt, dịch COVID-19 làm giảm sức mua, trong khi đó giá bán lại tăng cao, tính minh bạch và nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật chưa cao, thiếu căn hộ nhà ở vừa túi tiền, vướng mắc trong việc cấp giấy chủ quyền…
“Bước sang 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường bất động sản nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2.91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6.8% trong năm 2021 – mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường Bất động sản chuyển mình” – ông Lâm nhận định.
Vì vậy, TP.HCM cần thêm những giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường bất động sản năm 2021. Cụ thể, về chính sách pháp lý: hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản Nhà nước phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và yêu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung cấp, từ đó góp phần định ổn định mặt bằng giá. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông được đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp bất động sản nên đa dạng hoá kênh tiếp cận nguồn vốn mới để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn khách hàng. Chú trọng đầu tư các tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng… tuân thủ các quy định tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.