Khu vực miền Trung Tây Nguyên cần phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển

Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển đối với khu vực miền Trung Tây Nguyên là phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển, cùng với đó là phát triển xanh, chống sa mạc hóa Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

Sáng 12/7, tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tiểu ban Kinh tế – xã hội chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có cuộc làm việc với các địa phương khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Cuộc họp do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các thành viên Tổ Biên tập và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu chính của cuộc làm việc là lắng nghe các ý kiến nói thẳng về các vướng mắc, trở ngại để làm sao văn kiện không thoát ly thực tiễn, không chỉ góp ý tầm nhìn 5 năm, 10 năm mà hướng tới năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Thủ tướng nêu một số vấn đề đề nghị các địa phương phát biểu ý kiến: Nét nổi bật, kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mình trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt là những cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công mới, những nút thắt, vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Từ đó, đề xuất phương hướng, mục tiêu phát triển địa phương, vùng và cả nước; đề cập thêm về quan điểm phát triển, đột phá chiến lược…

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhìn nhận 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu lớn trên nhiều mặt, có mặt vượt bậc. Tuy nhiên, các địa phương đối diện một số thách thức như phát triển cây công nghiệp dài ngày vượt quy hoạch, ảnh hưởng đến nước tưới, giảm năng suất, dư thừa cung. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương không được phá rừng để làm cây công nghiệp mà phải thâm canh, tái canh.

Thủ tướng cũng chỉ ra việc phát triển các nhà máy thủy điện quá mức, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giảm diện tích rừng đầu nguồn. Do đó cần đặt ra vấn đề phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, nhất là quản lý rừng, nông lâm trường chưa đạt hiệu quả. Giao thông nội vùng và đối ngoại nhìn chung còn thiếu và yếu, do đó, chi phí vận chuyển cao, sức cạnh tranh giảm, khó thu hút đầu tư và gây khó khăn trong hợp tác vùng; số lượng doanh nghiệp trong vùng còn thấp.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển đối với vùng là phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển, cùng với đó là phát triển xanh, chống sa mạc hóa Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Trung.

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu phân vùng hợp lý hơn, cần có cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn, cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; cơ cấu lại các ngành, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch; khôi phục, phát triển kinh tế rừng. Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả, có doanh nghiệp làm nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân là chủ thể. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng nhấn mạnh, ba đột phá chiến lược cùng với đổi mới sáng tạo cần áp dụng cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, để tháo gỡ nút thắt trong phát triển. Trong nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải tự cân đối được ngân sách, cùng với đó là xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển phù hợp với đặc thù của địa bàn.

PV/ Công Luận

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục