Chuyển đổi số mở “cánh cửa” mới cho ngân hàng

Sự vào cuộc rốt ráo của các ngân hàng trong cuộc đua chuyển đổi số không dừng lại ở việc đầu tư công nghệ mới mà còn tăng trải nghiệm, phù hợp với tâm lý, hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đây được xem là “cánh cửa” mới để các tổ chức tài chính tiếp cận khách hàng tiềm năng dễ dàng và chi phí rẻ hơn.

Chuyển đổi số mở “cánh cửa” mới cho ngân hàng

Cạnh tranh tạo đột phá về công nghệ

Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn công nghệ Capgemini của Pháp với 11.200 khách hàng từ 11 quốc gia lớn về hành vi sau dịch COVID-19, 57% khách hàng thích dùng Internet Banking hơn; 55% khách hàng ưa thích sử dụng Mobile Banking; 21% muốn tương tác với Chatbots và hỗ trợ tự động khi giao dịch với ngân hàng; 30% là con số khách hàng sẵn sàng chuyển sang giao dịch với Fintech, Bigtech…

Thực tế trong thời gian qua, ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/học máy, Blockchain, eKYC… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng.

Sôi động nhất trên thị trường công nghệ tài chính – ngân hàng hiện nay là eKYC (electronic Know Your Customer) – định danh khách hàng điện tử. Hiện nhiều ngân hàng đã ra mắt các siêu ứng dụng và đặc biệt triển khai như HDBank, TPBank, MB, VPBank… Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã gia nhập cuộc đua cung cấp giải pháp eKYC với ứng dụng SmartBanking thế hệ mới, người dùng đăng ký trực tuyến trên ứng dụng thông qua việc chụp hình CMND và xác thực nhận diện khuôn mặt.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, ông Phùng Quang Hưng, Giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) khẳng định, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng năng lực “Big Data” gồm các kho dữ liệu lớn và năng lực phân tích dữ liệu, máy học tiên tiến cũng như đầu tư các nền tảng ngân hàng số mới cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, để mang lại những trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng.

Ngoài đầu tư vào công nghệ, một số ngân hàng còn chú trọng vào việc cá nhân hóa trải nghiệm tài chính. Theo đại diện ngân hàng này cho biết, dịch vụ khách hàng chính là yếu tố để giúp cho Timo khác biệt với các đối thủ trên thị trường và chiếm lĩnh thị trường với sự hài lòng từ khách hàng để tăng sự tín nhiệm cũng như gắn bó lâu dài. Để tăng trải nghiệm cá nhân của khách hàng một cách tối đa, ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ hỗ trợ tài chính, cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng đầu tư và mua sắm, lựa chọn các dịch vụ tốt nhất tùy theo từng đối tượng khách hàng.

Tăng trải nghiệm, tiết kiệm chi phí

Theo các chuyên gia, đẩy mạnh công nghệ tài chính – ngân hàng không chỉ gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, mà còn đem đến nhiều lợi ích cho các ngân hàng. Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Dưới gốc độ của ngân hàng, ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Ngân hàng số Timo chia sẻ, càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này, khả năng tạo ra những đột phá về mặt công nghệ sẽ càng cao. Hơn nữa, việc có thêm đối thủ cạnh tranh sẽ giúp các ngân hàng số tiếp cận và định hướng thị trường, khách hàng hiệu quả hơn.

Với việc thu hút khách hàng giao dịch trên các nền tảng số đã giúp Techcombank cải thiện chỉ số CIR liên tục và thuộc nhóm thấp nhất ngành Ngân hàng. Kết thúc năm 2020, Techcombank kiểm soát tốt các chi phí và hạ chỉ số CIR xuống thấp hơn gần 3% so với cùng kỳ, ở mức 31,9%.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành Ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng – tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả, cũng như cả vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong 10 năm tới ngân hàng vẫn đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thì chiến lược chuyển đổi số của nền kinh tế cũng không thể thành công. Vì vậy trong thời gian tới, hệ thống chính sách, hạ tầng cứng và mềm phục vụ chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Từ đó, tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng…

Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng thời chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng. Bởi, các chuyên gia cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững của ngành Ngân hàng. Vì vậy, cần có kế hoạch phát triển nhân lực số dài hạn và đưa ra những chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân người tài thay vì chỉ tập trung vào khâu tuyển dụng đầu vào như hiện nay.

NguồnHương Giang/ Thời báo Ngân hàng
Bài cùng chuyên mục