Luôn thấu hiểu nhu cầu doanh nghiệp

Trong bối cảnh các đơn hàng gia công và hoạt động xuất khẩu hồi phục, nhiều doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng tiếp tục tăng thêm hạn mức tín dụng trong năm nay để phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo ông Trần Minh Khải – Giám đốc Công ty Công nghệ Cao su Thái Dương, đến thời điểm hiện tại đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Australia của doanh nghiệp đang khá tốt. Số lượng đơn hàng xuất khẩu sản phẩm thú cưng cao su và cao su kỹ thuật trong quý I/2021 của công ty đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là nguồn vốn lưu động để chuẩn bị đơn hàng và trả lương cho công nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế phục hồi. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất trông đợi các ngân hàng có thể xem xét tăng hạn mức cho vay để tận dụng tốt cơ hội bứt phá trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa

Tương tự, ông Phan Anh Đức – Giám đốc kinh doanh của Công ty in ấn Đức Tài cho biết, trong 3 năm qua doanh nghiệp này là một trong những đơn vị gia công các mặt hàng bao bì cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến doanh nghiệp lo ngại nhất là cạnh tranh về vốn và công nghệ số so với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của nước ngoài. Trong khi theo ông Đức, để có thể cạnh tranh với đối thủ đến từ nước ngoài, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư nâng cấp hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phải cần thêm nguồn vốn lưu động để mua tích trữ nguyên liệu đầu vào. Điều đó có nghĩa nhu cầu vay vốn ngắn hạn và trung dài hạn của các doanh nghiệp là rất lớn, nên cần được các ngân hàng gia tăng hạn mức tín dụng.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhìn chung các tháng đầu năm 2021 hoạt động xuất khẩu ở một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước đã tăng 7,1% trong 2 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ, đạt 5,9 tỷ USD. Tuy nhiên, về cơ bản “sức khỏe” tài chính của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn khá mong manh.

Thấu hiểu điều đó nên ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm nay được NHNN định hướng ở mức 12%, song sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo sát diễn biến của nền kinh tế và nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Vừa qua NHNN cũng đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng như Techcombank là 12,5%, TPBank 11,5%, Vietcombank và MB là 10,5%; ACB là 9,5% và VIB là 8,5%…

Trong các tháng đầu năm vừa qua, hàng loạt ngân hàng khởi chạy các gói vay ưu đãi lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, tín dụng quý I/2021 của một số ngân hàng tăng trưởng khá tích cực. Bên cạnh việc chủ động cơ cấu các khoản vay cho khách hàng, hiện các nhà băng đang khá tập trung vào các gói cho vay mới. Chẳng hạn, BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô 10.000 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân BIDV triển khai gói vay vốn trung dài hạn với quy mô 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm. HDBank hiện cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lên đến 5.000 tỷ đồng dành cho các DNNVV, tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh an toàn… với lãi suất còn từ 6,2%/năm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế thuộc NHNN cho biết, tín dụng quý I/2021 tăng trưởng 2,3% so với cuối năm 2020, trong khi quý I năm ngoái tăng trưởng tín dụng chưa đến 1%. Các chuyên gia kinh tế nhận định với xu hướng tăng trưởng tín dụng và lãi suất các tháng đầu năm nay, NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trình định hướng điều hành chính sách ổn định và linh hoạt trong thời gian tới. Đặc biệt, NHNN vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với nhiều quy định mở hơn. Các yếu tố này sẽ tiếp tục giúp hệ thống ngân hàng có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới.

NguồnThạch Bình/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục