Khám phá Tây Ninh: tưởng không hay mà hay không tưởng!

Nằm cách TP. Hồ Chí Minh 100km và thuận tiện đi lại, Tây Ninh là điểm đến lý tưởng cho các tín đồ xê dịch. Hãy bỏ túi những thông tin dưới đây để có một chuyến trải nghiệm Tây Ninh hoàn hảo nhất.

Giao thông đi lại

Bạn có thể dễ dàng di chuyển tới Tây Ninh bằng xe buýt, xe khách hoặc xe cá nhân. Tuy nhiên, xe máy hoặc ô tô cá nhân sẽ thuận tiện hơn khi di chuyển đến các điểm thăm quan. Từ TP.HCM, đi theo đường Quốc lộ 22 qua địa phận huyện Củ Chi (TP.HCM), Trảng Bàng (Tây Ninh), tới vòng xoay đoạn ngã ba thị trấn Gò Dầu thì rẽ vào đường Quốc lộ 22B rồi thẳng tiến đến Tây Ninh.

Nếu muốn bắt xe khách từ TP.HCM đến Tây Ninh, bạn có thể xuất phát từ bến xe An Sương ở huyện Hóc Môn rồi mua vé xe khách đi Tây Ninh của nhà xe Đồng Phước (028 3504 4999), giá vé chỉ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/lượt. Còn với xe buýt, bạn tới bến xe chợ Bến Thành lên xe số 70-3 đi tới cuối bến là Mộc Bài, sau đó đi tiếp chuyến xe số 05 để đến bến xe Tây Ninh. Tổng chi phí cho 2 tuyến này là 55.000 đồng.

Các điểm du lịch tại Tây Ninh

Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì trên đường đi Tây Ninh, bạn có thể ghé điểm đầu tiên trong hành trình là thị trấn Trảng Bàng và tìm hiểu làng nghề làm bánh tráng phơi sương – một đặc sản nổi tiếng của Tây Ninh, với hàng trăm lò bánh đỏ lửa ngày đêm. Sau đó, đi tiếp đến khu vực xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) để “mục sở thị” tháp cổ Bình Thạnh có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ VIII – IX. Đây là một trong số ít những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo của vùng Nam Bộ.

Rời Trảng Bàng, bạn thẳng tiến về thành phố Tây Ninh hoặc theo tuyến đường của xã Phan (huyện Dương Minh Châu) để đến Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen. Đây là điểm đến đặc biệt nhất tại Tây Ninh, nơi có chóp tháp được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ” và quần thể chùa cổ linh thiêng với những trải nghiệm tâm linh ý nghĩa, thu hút rất đông du khách tới chiêm bái, vãn cảnh.

Để khám phá núi Bà Đen trọn vẹn nhất, bạn đi cáp treo Vân Sơn lên đỉnh núi Bà Đen và đi cáp Chùa Hang lên chùa Bà Đen. Đây là hai tuyến cáp mới được Sun World Ba Den Mountain đưa vào hoạt động từ đầu năm, giúp việc di chuyển rất nhanh chóng, thuận lợi và thêm trải nghiệm ngắm toàn cảnh núi từ trên cao vô cùng thú vị. Cáp chạy từ sáng đến chiều muộn hàng ngày (7h-19h15, riêng Chủ Nhật mở sớm từ 6h đối với cáp lên Chùa Bà, 8h-17h15, riêng Chủ Nhật mở sớm từ 7h đối với cáp lên đỉnh núi).

Bắt đầu hành trình chiêm bái quần thể tâm linh Chùa Bà, Chùa Hang,… linh thiêng, bạn đi cáp treo lên Ga Chùa Hang (khoảng chưa đầy 10 phút) là đã có thể chắp tay thành kính trước miếu Bà, vãn cảnh chùa chiền, leo qua những bậc thang đá lên cao để chiêm ngưỡng bức tượng Phật nằm, ngắm thành phố phía xa… Hành trình lên chùa Bà với cáp treo mới cũng là một trải nghiệm cực kỳ dễ chịu, khi bạn được băng qua mây núi, lướt trên những vạt rừng xanh, nghe tiếng chim kêu vượn hót giữa thiên nhiên thanh lành.

Trong khi đó, tuyến cáp treo Vân Sơn chạy thẳng lên đỉnh núi sẽ giúp bạn thoả lòng mong ước được đứng trên “nóc nhà Đông Nam Bộ” và thu vào tầm mắt trọn vẹn cảnh quan hùng vĩ cùng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của Tây Ninh từ độ cao 986m. Bên cạnh đó, kiến trúc tuyệt mỹ của nhà ga Vân Sơn, những vườn hoa rực rỡ cùng những tiểu cảnh ngộ nghĩnh và chóp tam giác ghi dấu đỉnh cao 986 m cũng là những điểm thăm quan, chụp ảnh check-in đẹp “lịm tim” không thể bỏ qua khi đã đặt chân đến núi Bà.

Gần với núi Bà Đen, bạn có thể ghé thăm 2 điểm khác là hồ đá Ma Thiên Lãnh và hồ Dầu Tiếng (cách núi Bà Đen 20km) để tìm cảm giác bình yên, thư thái và lưu lại những khoảnh khắc giữa thiên nhiên tươi đẹp nơi đây.

Một điểm khác ngay trung tâm Tây Ninh bạn không nên bỏ qua là Toà thánh Tây Ninh – công trình tôn giáo nổi tiếng khắp cả nước của đạo Cao Đài. Khuôn viên tòa thánh trải rộng trên diện tích khoảng 1km2 với gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ xây dựng bằng bê tông cốt tre trong vòng 14 năm (1933 – 1947). Cùng với kiến trúc tổng thể ở bên ngoài, bạn có thể đi vào bên trong toà thánh (nữ đi cửa trái, nam đi cửa phải) để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và những nét đặc trưng của đạo Cao Đài.

Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm Chùa Thiền Lâm cũng rất gần trung tâm TP. Tây Ninh. Chùa có khuôn viên rộng lớn với tượng Quan Thế Âm cao khoảng 25m đứng trên rồng cao 7m; tượng Phật nhập niết bàn dài 25m, vườn Lâm Tỳ Ni, núi Ngũ Hành Sơn và công trình Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng đang xây dựng.

Điểm vui chơi giải trí, khách sạn

Khu vui chơi giải trí lớn nhất Tây Ninh hiện nay là Khu du lịch Long Điền Sơn nằm trên đường Trần Phú, với nhiều hạng mục vui chơi như công viên nước, đạp vịt và thăm mô hình 18 tầng địa ngục ở hồ Thiên Nga, xe điện, đu quay…

Hiện Tây Ninh đã có các loại khách sạn đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách, từ khách sạn 5 sao (với giá phòng khoảng hơn 1 triệu đồng/đêm trở lên) cho tới các khách sạn bình dân với mức giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng.

Đặc sản

Bánh canh và bánh tráng cuốn thịt Trảng Bàng là 2 món ăn nổi tiếng Tây Ninh. Bạn có thể thưởng thức món này ở các quán ăn nằm dọc theo Quốc lộ 22 của huyện Trảng Bàng với mức giá từ 40.000 đồng.

Tại TP. Tây Ninh, các nhà hàng như Sông Quê thường có món ốc xu và thằn lằn núi Bà. Trong khi các nhà hàng như Năm Sánh được biết đến với món bò tơ nổi tiếng của địa phương.

Ngoài ra, quà bạn có thể mua về là bánh tráng phơi sương, muối tôm, mắm cá… được bán nhiều ở TP. Tây Ninh và dọc Quốc lộ 22.

Nguồn Phạm Thúy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục