Tập trung đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ

Từ nhiều năm qua, DNNVV luôn là đối tượng “ưu tiên” trong điều hành chính sách của NHNN.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thu hút hơn 5 triệu lao động và đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm.

Các nhà kinh tế cho rằng, do tiềm lực tài chính và quản trị còn yếu nên DNNVV dễ bị tổn thương nhất mỗi khi khủng hoảng xảy ra, nhưng lực lượng này cũng dễ thích ứng với thị trường nhất do tính chất nhỏ gọn, linh hoạt, dễ dàng chuyển đổi sản xuất kinh doanh. Điều này có thể nhận thấy trong năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có các DNNVV. Song, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, y tế, giáo dục, công nghệ và chế biến đã có những điều chỉnh để thích ứng với nhu cầu thị trường.

Ảnh minh họa

Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 quy định, NHNN Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, DNNVV luôn là đối tượng “ưu tiên” trong điều hành chính sách của NHNN. Bên cạnh việc tập trung đầu tư vốn, DNNVV cũng là một trong những đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về lãi suất. Theo đó, hiện lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với DNNVV chỉ là 4,5%/năm.

Bên cạnh chính sách ưu đãi lãi suất, thời gian qua các TCTD cũng triển khai rất nhiều các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với DNNVV, như đổi mới quy trình giao dịch, tăng chất cho dịch vụ ngân hàng bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để tiết giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt NHNN còn thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Theo đó NHNN chi nhánh thành phố và các TCTD trên địa bàn rất tích cực phối hợp với các sở ngành, quận huyện cùng ngành Ngân hàng đối thoại, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, chỉ tính riêng trong năm 2020 thông qua chương trình đã kết nối, các ngân hàng hỗ trợ cho gần 30.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn lãi suất ưu đãi từ 4,5-5,5%/năm, với tổng số tiền là 483.000 tỷ đồng; xử lý 751 trường hợp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thông qua kênh đối thoại doanh nghiệp, đường dây nóng và phản ánh từ hiệp hội doanh nghiệp, các sở ban ngành và quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào DNNVV ở TP.HCM liên tục tăng trưởng ở mức cao: Năm 2018 tăng 39%; năm 2019 tăng 28%; năm 2020 mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng tín dụng đối với DNNVV vẫn tăng 15%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn TP.HCM là 10,35%. Tín dụng ngân hàng dành cho DNNVV ở TP.HCM những năm qua luôn chiếm trên 70% trong tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ trực tiếp về chi phí và lãi suất cho vay.

Bên cạnh các chính sách mang tác động trực tiếp như tín dụng và lãi suất, việc giữ ổn định thị trường tiền tệ trong suốt giai đoạn vừa qua góp phần tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khu vực DNNVV nói riêng phát triển. Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, NHNN đã nhanh chóng chỉnh sửa Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ, đồng thời không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và tiếp tục được vay mới với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất – kinh doanh, chờ cơ hội bứt phá khi dịch bệnh được khống chế.

Đây là những kết quả tích cực của hệ thống ngân hàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng. Có thể nói đây là những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong cải thiện môi trường đầu tư, trong đó ngân hàng nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với DNNVV, góp phần phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

NguồnNguyễn Đức/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục