‘Ông lớn’ Agribank đang bị ‘đuối’ trước sự vượt trội của nhóm ngân hàng thương mại?

Mặc dù có số lượng lao động lớn nhất toàn ngành với thu nhập bình quân 27,205 triệu đồng/tháng/người, thế nhưng lợi nhuận hay vốn chủ sở hữu của ngân hàng này lại thấp hơn cả một số ngân hàng TMCP.

Agribank.jpg

Dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính năm 2020 nhưng nội dung công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính vừa được Agribank gửi Sở GDCK Hà Nội đã hé lộ kết quả sơ bộ.

Việc công bố thông tin định kỳ được Agribank gửi Sở GDCK Hà Nội nằm trong quy định tại Thông tư số 122 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định tại Nghị định số 153 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo báo cáo của Agribank về tình hình tài chính của năm 2020, tính đến 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 71.417 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 20,94 lần; dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,46 lần; lợi nhuận sau thuế đạt 10.382 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 14,95%; tỷ lệ an toàn vốn đạt 10,3%.

Như vậy, so sánh với các ngân hàng thuộc nhóm “big 4” gốc quốc doanh về hai chỉ tiêu vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế, Agribank dù là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp cả nước nhưng là ngân hàng có vốn chủ sở hữu thấp nhất (71.417 tỷ đồng).

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại Vietcombank tính đến 31/12/2020 là 94.094 tỷ đồng, tại VietinBank là 85.411 tỷ đồng, và tại BIDV là 79.646 tỷ đồng.

So sánh về lợi nhuận sau thuế trong nhóm “big 4”, Agribank với 10.382 tỷ đồng chỉ hơn BIDV (7.223 tỷ đồng), kém xa so với Vietcombank (18.472 tỷ đồng) và Vietinbank (13.757 tỷ đồng).

Thậm chí, nếu so sánh với 3 “ông lớn” ngân hàng thương mại cổ phần là Techcombank, VPBank và MB về lợi nhuận sau thuế năm 2020, Agribank cũng chỉ nhỉnh hơn so với MB 8.606 tỷ đồng, kém một chút so với VPBank 10.413 tỷ đồng, và kém xa so với Techcombank 12.582 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Agribank về tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, tổng khối lượng huy động từ trái phiếu phát hành trong năm 2020 của Agribank là 5.000 tỷ đồng, chia thành 4 đợt.

Mục đích của việc phát hành trái phiếu là để tăng vốn cấp 2, đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng, tăng thêm nguồn vốn dài hạn của ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2020, tính đến 30/6/2020, Agribank có 37.486 cán bộ, nhân viên (số lượng lớn nhất toàn ngành), mức thu nhập bình quân (bao gồm lương và phụ cấp) cho mỗi cán bộ, nhân viên là 27,205 triệu đồng/tháng.

Nguồn Ngân Giang/ Infornet
Bài cùng chuyên mục