Ông Nghiêm Xuân Thành: Lợi nhuận của Vietcombank quý 1 đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ

Con số mới cập nhật cao hơn nhiều so với ước tính lợi nhuận 7000 tỷ đưa ra trước đó.

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 23/4 của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết, trong năm 2021 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 11%, trong đó riêng ngân hàng mẹ là 25.000 tỷ.

Hết quý 1, lợi nhuận của ngân hàng, tính cả phí upfront bảo hiểm với FWD, đã đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Quý 1 ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng 3,7% với quy mô tín dụng cao nhất hệ thống. Với nền tảng này, năm nay chắc chắn Vietcombank sẽ đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận.

Như vậy con số mà chủ tịch Vietcombank thông báo tới cổ đông hôm nay cao hơn nhiều so với con số 7.000 tỷ đồng vị này ước tính hồi đầu tháng 4 khi trao đổi với truyền thông.

Về các năm tới, chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã đưa ra mục tiêu chiến lược là lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025, trong đó mảng bán lẻ sẽ đóng góp 50%. Mặc dù dịch bệnh nhưng ngân hàng vẫn kiên định mục tiêu này.

Trả lời về việc tại sao năm 2020 quy mô tín dụng của ngân hàng tăng 14% – mức tăng cao nhất ngành ngân hàng nhưng lợi nhuận không tăng? Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, vì năm qua hệ thống Vietcombank thực hiện chỉ đạo của Nhà nước để hỗ trợ khách hàng với 5 đợt giảm lãi suất tổng cộng 3.700 tỷ. Ngân hàng nhận định tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, có thể khó khăn thêm vài năm nữa, nên đặt nặng vấn đề trích lập dự phòng. Năm qua trích lập dự phòng 9.900 tỷ, tăng hơn 50% so với năm trước, đưa tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên 380%, là mức cao nhất trong toàn ngành, cũng là mức cao hiếm có trên thế giới. Lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng vẫn tăng 11% – phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.

Nói thêm về tín dụng các năm tới, ông Thành khẳng định ngân hàng sẽ duy trì quy mô tín dụng cao nhất toàn ngành, với trọng tâm là bán lẻ. Chất lượng tín dụng cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ chứ không có việc nới lỏng. Hiện Vietcombank đã “đi trước” về kiểm soát chất lượng tín dụng thông qua việc phân loại khách hàng.

Nguồn Tùng Lâm/ Nhịp sống và kinh tế
Bài cùng chuyên mục