Gia tăng mức độ tiếp cận tài chính

Đối với nền kinh tế, mạng lưới chi nhánh cùng với mật độ chi nhánh là một trong những tiêu chí thể hiện mức độ tiếp cận tài chính của dân cư, đặc biệt của dân cư có thu nhập trung bình hoặc thấp, qua đó thể hiện mức độ cạnh tranh của thị trường tài chính và độ ổn định tài chính của mỗi quốc gia.

Không phủ nhận công nghệ đang thúc đẩy tiến trình phát triển ngân hàng số của các nhà băng. Tuy nhiên việc mở rộng mạng lưới, gia tăng độ phủ để tăng cường sự hiện diện, cung cấp dịch vụ tới khách hàng rộng hơn vẫn được các ngân hàng chú trọng. Sau hơn một năm kể từ khi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được ban hành, hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển với 1.409 chi nhánh, phòng giao dịch được cấp phép thành lập mới trong năm 2020 – nâng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM/100.000 người dân trưởng thành lên 17. Tính đến cuối năm 2020, mạng lưới ATM/POS phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước là 19.636 ATM (tăng 2,34%) và 276.273 POS (giảm 0,53%) so với cuối tháng 12/2019.

Ngân hàng phải tính toán và cân đối kỹ về chi phí khi mở rộng mạng lưới

Như VietinBank có 155 chi nhánh trong nước, hai chi nhánh nước ngoài và gần 960 phòng giao dịch; BIDV có gần 190 chi nhánh và trên 870 phòng giao dịch và tập trung theo các địa bàn trọng điểm với mạng lưới mở rộng. VietinBank và BIDV cũng sở hữu một số điểm giao dịch tại nước ngoài dưới dạng công ty con và văn phòng đại diện. Chỉ đứng sau Agribank, tới 31/12/2020, LienVietPostBank có 556 chi nhánh, phòng giao dịch cùng với 613 phòng giao dịch bưu điện phủ sóng tới tất cả các huyện tại 63/63 tỉnh, thành cả nước. Trong năm 2020 hàng loạt các ngân hàng khác như TPBank, SeABank… cũng tăng cường mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch.

Năm 2021, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch tiếp tục mở rộng hiện diện. Như ngay đầu năm 2021, Vietcombank được NHNN chấp thuận cho thành lập 5 chi nhánh và 2 phòng giao dịch; HDBank tháng 3 vừa qua cũng được NHNN chấp thuận cho thành lập 5 chi nhánh tại Trà Vinh, Quảng Trị, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng. HDBank cũng có kế hoạch trong năm 2021 mở mới 21 điểm giao dịch khắp cả nước, đưa mạng lưới lên 329 điểm giao dịch. Vietbank cũng đã trình NHNN phê duyệt phát triển mạng lưới thêm 20 chi nhánh, phòng giao dịch để nâng số lượng lên 138 điểm kinh doanh trên toàn quốc. Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, nhà băng này sẽ hoàn tất việc xây dựng, mở mới đối với 3 chi nhánh, 2 phòng giao dịch đã được NHNN chấp thuận thành lập mới trong năm 2020 cũng như tìm kiếm địa điểm thích hợp để xin phép NHNN cho thành lập mới 6 chi nhánh, 9 phòng giao dịch…

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính nhìn nhận: rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh vai trò khó có thể thay thế của các chi nhánh, kể cả đối với những nền kinh tế phát triển nhất. Đối với nền kinh tế, mạng lưới chi nhánh cùng với mật độ chi nhánh là một trong những tiêu chí thể hiện mức độ tiếp cận tài chính của dân cư, đặc biệt của dân cư có thu nhập trung bình hoặc thấp, qua đó thể hiện mức độ cạnh tranh của thị trường tài chính và độ ổn định tài chính của mỗi quốc gia.

“Việc các ngân hàng vẫn tiếp tục có kế hoạch mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch cũng phần nào chỉ ra rằng hiệu quả kinh doanh phải có thì ngân hàng mới có nhu cầu mở rộng thêm. Chi nhánh, phòng giao dịch của các nhóm ngân hàng liên tục tăng, cho thấy quy mô mạng lưới của các NHTM Việt Nam chưa bão hòa, và việc mở rộng mạng lưới vẫn mang lại hiệu quả cho các NHTM. So sánh với một số quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn thuộc nước có mật độ chi nhánh, phòng giao dịch thấp hơn trung bình. Như vậy, quy mô mạng lưới vẫn còn có tiềm năng tiếp tục tăng trong tương lai”, chuyên gia này chia sẻ.

Thẳng thắn nhìn nhận, khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được cải thiện song vẫn còn những hạn chế, như việc tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng dù đã tăng lên nhưng tốc độ tăng chậm. Hay như xu hướng tăng trưởng của mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch truyền thống vẫn chậm so với dự kiến, chủ yếu do xu hướng phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số; mạng lưới các NHTM vẫn còn phân bổ chưa đồng đều trong cả nước…

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc mở rộng thêm mạng lưới ngân hàng phải tính toán và cân đối chi phí khá nhiều vì rất tốn kém về hạ tầng, nhân lực… Thêm nữa, sắp tới các ngân hàng sẽ không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với việc dịch vụ Mobile Money sẽ được các nhà mạng triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm. Đặc biệt, để việc phát triển mạng lưới chi nhánh hiệu quả trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các NHTM cần chuyển đổi mô hình chi nhánh truyền thống cả về hình thức và phong cách phục vụ. Theo đó, các nhà băng nên cân nhắc nghiên cứu để đổi mới các chi nhánh truyền thống cả về hình thức bề ngoài, không gian giao dịch cũng như phương thức phục vụ. Xu hướng hiện nay là các ngân hàng nên đổi mới các chi nhánh truyền thống thành các chi nhánh tích hợp với các kênh phân phối hiện đại khác để khách hàng có thể tự chủ động thực hiện các giao dịch đơn giản, nhưng vẫn có thể nhận được sự phục vụ chu đáo từ các giao dịch viên, tăng trải nghiệm khách hàng tại các chi nhánh.

NguồnKhuê Nguyễn/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục