TP.Hồ Chí Minh: Hai dự án cấp thiết chống ngập được khởi động
Cuối tháng 4, người dân nhiều quận huyện tại TP.HCM hết sức vui mừng khi thành phố đã khởi động lại hai dự án lớn giải quyết vấn đề tiêu thoát nước trên địa bàn.
Đó là dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên (dự án kênh Tham Lương) và dự án Rạch Xuyên Tâm. Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên ở khu vực vùng ven có tổng chiều dài 32,71 km (bắt đầu từ cửa sông Rạch Nước Lên với sông Chợ Đệm đến cửa sông Vàm Thuật với sông Sài Gòn) đi qua 7 quận, huyện gồm quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án Rạch Xuyên Tâm ở ngay trung tâm TP.HCM, dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng 3 tuyến nhánh dài gần 2 km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường 2 bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700 ha…
Dự án kênh Tham Lương sẽ xây dựng kè dọc 2 bên bờ kênh, nạo vét toàn tuyến kênh, xây dựng hệ thống cống đầu kênh cấp 2, làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh, xây dựng 12 bến thuyền dọc theo tuyến kênh. Song song với đó, dự án sẽ xây dựng đường giao thông dọc 2 bên bờ kênh dài với chiều rộng đường từ 8-12 m cùng hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng dọc 2 bên đường. Dự án được triển khai từ năm 1999, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, nhưng đến năm 2017, tài trợ bị ngừng khiến dự án đình trệ. Suốt nhiều năm nay, người dân khu vực ven kênh sống trong ô nhiễm, rác và ngập.
Cuối tháng 4/2021, người dân ven kênh Tham Lương hết sức vui mừng khi dự án được khởi động lại, HĐND TP.HCM đã thông qua với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng. Trước đó, Hội đồng Thẩm định cho rằng, đây là dự án mang tính dân sinh cao, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân và làm nền tảng phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM trong tương lai. Cụ thể, dự án sẽ giải quyết ô nhiễm, tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố và khu vực Tây Bắc cho 7 quận, huyện nêu trên. “Đặc biệt, khi dự án hoàn thành sẽ là trục động lực phát triển phía Tây TP.HCM, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thị do không phải đi xuyên tâm qua khu vực trung tâm thành phố. Chưa kể sẽ hình thành các tuyến giao thông thủy kết nối với các quận, huyện của TP.HCM cũng như kết nối đi các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông, Bình Dương, Đồng Nai…”, Hội đồng Thẩm định TP.HCM đánh giá.
Cũng như vậy, từ nhiều năm nay, rạch Xuyên Tâm (từ Bình Thạnh đến Gò Vấp) bị ô nhiễm nghiêm trọng do các loại rác thải, chất thải của hàng ngàn hộ dân sinh sống tại hai bên rạch đổ xuống, nhiều đoạn tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước. Gần 20 năm nay, người dân khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp nhiều lần kiến nghị chính quyền thành phố sớm triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải thiện hạ tầng khu vực. Phó Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (đơn vị được giao quản lý dự án rạch Xuyên Tâm) Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, hiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án đã được các sở, ngành thống nhất, đủ điều kiện để trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư. Dự án rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí xây dựng ước tính gần 4.500 tỷ đồng. Dự án sẽ bao gồm các hạng mục: nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng 3 tuyến nhánh dài gần 2 km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường 2 bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700 ha…
Khảo sát thực địa dự án rạch Xuyên Tâm vào cuối tháng 4/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, triển khai nhanh dự án này, không để người dân bức xúc. Theo ông Phong, qua thực tế khảo sát, việc triển khai dự án là yêu cầu cấp thiết, khi dự án hoàn thành sẽ mang lại sự thay đổi lớn cho bộ mặt của quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Dự án sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt sau khi nạo vét ở một số đoạn có bùn sâu đến 2m sẽ hỗ trợ nhiều trong công tác chống ngập và phát triển du lịch. Ngoài ra, dự án cũng nhận được sự ủng hộ của người dân ở 2 quận nói trên là một điều thuận lợi.
“Cần phải đẩy nhanh triển khai dự án, đưa ra nhiều phương thức đầu tư, trong đó sẽ dùng tiền ngân sách để làm công tác đền bù, tái định cư. Việc này cần phải làm nhanh, tranh thủ nguồn vốn trung hạn mà Trung ương giao TP.HCM, qua đó, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân. Sở Tài nguyên – Môi trường rà soát các quỹ đất dọc hai bên bờ rạch bán đấu giá tạo nguồn vốn kêu gọi nhà đầu tư. Bên cạnh đó, phải làm tốt khâu tái định cư cho người dân”, ông Phong nói.