Chủ động kết nối vùng bằng những tuyến giao thông điểm

Tuyến cao tốc nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước được đánh giá sẽ tạo ra sự kết nối, tạo động lực cho vùng kinh tế.

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Nếu khi mới tách tỉnh (năm 1997), Bình Dương chỉ có khoảng 2.186km đường bộ hầu hết là quy mô nhỏ thì tới nay, toàn tỉnh đã có 7.842km đường bộ, trong đó có rất nhiều tuyến đường rộng rãi, được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng Bình Dương đã chủ động cập nhật quy hoạch và nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dự án một tuyến cao tốc mới, trong đó, phần lớn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương là cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước). Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 70km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM dài khoảng 1,5km; đoạn qua Bình Dương dài khoảng 57km; đoạn qua Bình Phước dài khoảng 11,5km. Đầu tháng 3/2021, trong khuôn khổ hội nghị sơ kết về hợp tác phát triển giữa hai tỉnh, Bình Dương và Bình Phước đã ký thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong giai đoạn mới, tập trung đầu tư kết nối hạ tầng giao thông. Trong thỏa thuận này, tuyến cao tốc nối TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước được đặc biệt quan tâm, sẽ huy động các nguồn lực để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng là tuyến đường huyết mạch của Bình Dương

Tuyến cao tốc nối TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước được đánh giá sẽ tạo ra sự kết nối, tạo động lực cho vùng kinh tế.

Đối với phần đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, đường cao tốc nối TP.HCM-Bình Dương-Bình Phước sẽ có một phần đi trên cao (đoạn từ TP.HCM về Bình Dương), một phần trùng với tuyến đường hiện hữu của tỉnh Bình Dương, và một phần là xây dựng mới (đoạn Bình Dương – Bình Phước). Theo phương án đề xuất, chi phí xây dựng cao tốc nối TP.HCM-Bình Dương-Bình Phước khoảng 36.000 tỷ đồng, vừa có sự tham gia của vốn nhà nước (khoảng 47%, tương đương 17.000 tỷ đồng), vừa có sự huy động từ xã hội hóa (khoảng 19.000 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh luôn cố gắng, chủ động triển khai các dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, huy động đa dạng nguồn lực để thực hiện mà không chờ rót vốn từ Trung ương. Các tuyến đường được đầu tư sớm, bài bản đã tạo lực đẩy phát triển cho không chỉ kinh tế trong tỉnh mà còn lan tỏa, kết nối với cả vùng kinh tế.

Điển hình như với tuyến đường vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua Bình Dương dài 25,7km, tỉnh đã chủ động hoàn thành 17km (trùng với tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư). Đối với đoạn còn lại của vành đai 3 dài hơn 8km (đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn) thì các cơ quan chức năng cũng đang tích cực để triển khai đầu tư. Bình Dương là một trong hiếm hoi các tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ đã triển khai được một phần đường vành đai theo đúng quy hoạch.

Việc phát triển hạ tầng giao thông tại Bình Dương được định hướng bám sát các quy hoạch, công trình lớn đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngoài việc tính toán phương án để kết nối với TP.HCM và các tỉnh lân cận, nhiều công trình giao thông của Bình Dương được triển khai bám sát với định hướng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hiện tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, một “con đường tơ lụa” thúc đẩy kinh tế cả vùng, dài khoảng 64km đã được thông xe toàn tuyến. Tổng công ty Becamex IDC cũng đang tích cực thi công mở rộng đường ĐT743 (nối từ ngã tư Miếu Ông Cù, tỉnh Bình Dương đến cầu vượt Sóng Thần, giáp TP.HCM) lên 6 làn xe, dự kiến hoàn thành trong năm 2021… Các tuyến giao thông huyết mạch này khi mở rộng hết sẽ giúp giảm bớt kẹt xe và thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại cho người dân và doanh nghiệp.

Điều đáng nói là để phát triển hệ thống giao thông của Bình Dương, doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh đã đóng góp đầu tư rất lớn. Cụ thể như doanh nghiệp “đầu tàu” là Tổng công ty Becamex IDC (vốn UBND tỉnh chi phối) đã đầu tư hàng loạt trục giao thông “xương sống” như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng. Ngoài ra, còn hàng loạt tuyến đường nội bộ trong các khu công nghiệp đã kết nối hoặc trùng một phần với các tuyến đường chính của tỉnh và các tuyến đường vành đai TP.HCM.

Nguồn Ngọc Hậu/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục