TP.Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch nông thôn

Các sản phẩm du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng đặc thù của TP. Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, du lịch nông thôn đã đóng góp hơn 15% cho tổng doanh thu của ngành du lịch nên TP. Hồ Chí Minh xác định hướng đi mới để phát triển ngành này.

Thực vậy, các vùng ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để hình thành và phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Điển hình như huyện Củ Chi có cơ cấu kinh tế là công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Những ngành nghề truyền thống luôn được huyện bảo tồn và phát triển như mây tre lá, thêm vào đó những cánh đồng lúa bạt ngàn, những nhà vườn xanh đẹp, con người thân thiện và hiếu khách. Do điều kiện tự nhiên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, huyện Củ Chi dành khoảng 24.385ha cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu phát triển vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái. Thậm chí, TP. Hồ Chí Minh đã quy hoạch huyện Củ Chi có khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn tổng diện tích 4.750ha.

 

Ảnh minh họa

Cũng như vậy, huyện Cần Giờ có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và cũng là huyện duy nhất của TP. Hồ Chí Minh có rừng ngập mặn. Với thế mạnh đó, huyện Cần Giờ đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch, bao gồm tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của huyện… Các sản phẩm du lịch chính của huyện Cần Giờ sẽ là du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch đường sông, phát triển mô hình làng nghề truyền thống đưa vào phục vụ du lịch.

Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định lợi thế về tài nguyên nông nghiệp, nông thôn để hình thành và phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái tạo nên sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch của thành phố, gắn phát triển du lịch nông nghiệp với các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch học đường (studying-tour), du lịch chuyên đề, du lịch về nguồn cội… Cùng với đó là những sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các làng nghề, để đóng góp vào phát triển kinh tế, bảo vệ giá trị truyền thống và giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở (homestay) hoặc tham quan thưởng thức các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại như du lịch gắn với các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nhà vườn, làng nghề truyền thống tại các huyện với điều kiện tài nguyên thuận lợi như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh.

Thống kê của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy, du khách rất quan tâm đến loại hình sản phẩm du lịch nông thôn của TP. Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu khách tham quan, trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn mỗi năm tại TP. Hồ Chí Minh ước tính khoảng 20% – 30%, đã góp phần để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Lượng khách tham quan, trải nghiệm trong các chương trình với các điểm đến này tập trung vào phân khúc khách học sinh, sinh viên, công nhân lao động và khách gia đình (chủ yếu được tính là lượt khách tham quan đi về trong ngày và không lưu trú đêm tại các điếm đến). Trong các năm 2018, 2019, 2020 lượt khách tham quan đến các điểm trên đạt gần 2 triệu lượt khách, đóng góp khoảng 15% trên tổng doanh thu về du lịch của TP. Hồ Chí Minh.

Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng đã xác định, du lịch nông thôn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển ngành du lịch như kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến thành phố; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa địa phương thông qua các hoạt động du lịch; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong quá trình phát triển du lịch… Để phát triển du lịch nông thôn, theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các lao động tại điểm du lịch, khu du lịch nông nghiệp, nhà vườn gắn với du lịch nông nghiệp nhằm chuyên môn hóa đội ngũ phục vụ du lịch tại địa phương. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng đề án “Khuyến khích hỗ trợ người dân làm du lịch” đã được phê duyệt để thu hút, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển du lịch trên địa bàn.

NguồnNgọc Hậu/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục