Thị trường mở chưa phát sinh giao dịch nào mới
Một số điểm nhấn tại Báo cáo thị trường trái phiếu, tiền tệ tháng 5/2021 vừa được Công ty CP Chứng khoán MBS công bố cho biết, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đà tăng do thanh khoản trong hệ thống đang ít dần. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp hơn lãi suất OMO nên NHNN vẫn chưa thực hiện giao dịch mới trên thị trường mở.
Tỷ giá USD/VND tiếp tục giao dịch ổn định dù đồng USD đang tăng giá so với một số đồng tiền khu vực. Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành hơn 18.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong kỳ, lợi suất TPCP thứ cấp đi ngang so với tháng trước. Khối ngoại bán ròng 875 tỷ đồng TPCP trong kỳ.
Về thị trường tiền tệ, MBS cho biết, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu tháng 5. Tuy nhiên, mức lãi suất vẫn thấp hơn lãi suất OMO nên thị trường mở không phát sinh giao dịch nào mới.
Do lãi suất huy động đang ở mức thấp, tăng trưởng huy động vốn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng nên thanh khoản hệ thống đang giảm dần. Do vậy, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tháng 4. Khảo sát của Bloomberg cho thấy lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 1,03%/năm, tăng 34 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 1,1%-1,25%/năm, tăng khoảng 20 điểm cơ bản so với cuối tháng 3.
“Chúng tôi dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục tăng dần đến hết tháng 6, thời điểm một lượng thanh khoản lớn đổ vào hệ thống bởi NHNN từ việc mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng bắt đầu được giao. Giống như các tháng gần đây, lãi suất liên ngân hàng tuy đang tăng nhưng vẫn đang thấp hơn lãi suất OMO của NHNN là 2,5%/năm nên các NHTM có thể vay lẫn nhau trên thị trường mà chưa cần đến sự hỗ trợ của NHNN”, đại diện MBS nhận định.
Cũng theo MBS, trong khi giá trị đồng USD với một số đồng tiền trong khu vực có xu hướng tăng trong nửa đầu tháng 5 thì tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục giao dịch ổn định do hợp đồng mua ngoại tệ của NHNN được giao trong tháng 6 nên nguồn cung USD trong hệ thống còn đang khá dồi dào.
So với cuối tháng 4, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 340 đồng/USD và hiện giao dịch ở mức 23.300 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.176 đồng/USD, tăng 18 đồng/USD và 23.114 đồng/USD, tăng 8 đồng/USD.
Áp lực lạm phát tại Mỹ đang gia tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, Fed vẫn tiếp tục cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho tới khi kinh tế thực sự đạt được sự tăng trưởng vững chắc và mục tiêu lạm phát đạt trung bình 2%. Cộng với các chính sách kích thích tài khóa lớn chưa từng có của tổng thống Joe Biden, đồng USD chịu nhiều áp lực mất giá và tỷ giá USD/VND sẽ giảm trong năm nay.
Đối với thị trường TPCP, tại thị trường sơ cấp, KBNN đã phát hành thành công 18.036 tỷ đồng TPCP trong kỳ với lợi suất trúng thầu đi ngang. Nửa đầu tháng 5, KBNN đã tích cực phát hành TPCP hơn. Trong số 20.500 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 18.036 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ 88%. Lượng phát hành thành công gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng trước.
Tuy vậy, để hoàn thành kế hoạch huy động năm nay, KBNN cần tiếp tục đẩy cao tốc độ phát hành trái phiếu bởi hiện tại khối lượng huy động mới chỉ đạt 24% kế hoạch. Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu đi ngang so với cuối tháng 4. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,35%/năm và 2,58%/năm, chênh lệch 1-3 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Lợi suất kỳ hạn 5 năm vẫn giữ nguyên ở mức 1,16%/năm. Mức lợi suất hiện tại đã phù hợp với kỳ vọng của thị trường khi tỷ lệ trúng thầu tương đối cao.
Tại thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP đi ngang trong kỳ. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường TPCP thứ cấp giảm 13% so với tháng trước với tỷ trọng giao dịch repo tăng dần. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 875 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Giữa tháng 5, lợi suất kỳ hạn 10 năm đang ở mức 2,4%/năm, giảm 2 điểm cơ bản so với tháng trước trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm vẫn giữ mức 0,6%/năm.
Tính từ đầu năm, lợi suất kỳ hạn 2 năm đã tăng 18 điểm cơ bản trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm lại giảm 18 điểm cơ bản, khiến đường cong lợi suất dần phẳng lại.
Tuy nhiên, với lãi suất liên ngân hàng dần tăng, MBS dự báo lợi suất TPCP cũng sẽ tăng theo. Giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp tiếp tục tình trạng ảm đạm khi khối lượng giao dịch trong kỳ bình quân ngày đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với bình quân tháng 4.
Trong đó, giao dịch outright chiếm 58% khối lượng trong kỳ với 44,2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 4,9 nghìn tỷ đồng/ngày, giảm 16% so với bình quân tháng trước. Khối lượng giao dịch repo bình quân giảm 8% so với tháng 4, đạt 3,6 nghìn tỷ đồng/ngày. Khối ngoại bán ròng 875 tỷ đồng TPCP trong kỳ và khối lượng giao dịch tổng cộng cũng khá thấp, giảm khoảng 35% so với cùng kỳ tháng trước. Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 6.038 tỷ đồng TPCP trong năm 2021 và 11.346 tỷ đồng TPCP trong 12 tháng gần nhất.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong quý 1, đã có 38.235 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có tới 6.235 tỷ đồng được phát hành ra công chúng, chiếm khoảng 16% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp huy động. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức dưới 5% trong các năm gần đây, cho thấy chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiến bộ bởi kênh phát hành ra công chúng được đánh giá là minh bạch và công khai hơn. Kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,5 năm, ngắn hơn 0,8 năm so với mức trung bình năm 2020. Lãi suất huy động bình quân 9,9%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với bình quân năm 2020.