Doanh nghiệp chưa “thông” với phí cảng biển

Từ đầu tháng 7, TP.HCM triển khai thu phí dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cảng biển. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “thông” với quyết định này vì cho rằng đang khó khăn và thậm chí mức thu gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp...

Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (HXNK) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương và các đơn vị liên quan kiến nghị việc thu phí khu vực cảng biển của TP.HCM có những điểm chưa phù hợp và gây sự bất bình đẳng cho các đối tượng nộp phí.

HXNK cho rằng, quy định có sự chênh lệch lớn về mức nộp phí giữa doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP.HCM. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức thu 500.000 đồng/container (loại 20ft), 1.000.000 đồng/container (loại 40ft) và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM áp dụng mức thu lần lượt tương ứng là 250.000 đồng, 500.000 đồng và 15.000 đồng.

VASEP cho rằng, việc thu phí đang tạo ra nhiều bất hợp lý

Lãnh đạo HXNK nhận định, tất cả các doanh nghiệp, dù hoạt động tại TP.HCM hay tại tỉnh Bình Dương đều là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật.

“Quy định có sự chênh lệch về mức phí phải nộp giữa doanh nghiệp mờ tở khai hải quan tại TP.HCM và doanh nghiệp mở tờ khai hải quan ngoài TP.HCM sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Kiến nghị TP.HCM nên áp dụng một mức phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không nên phân biệt đối tượng nộp phí giữa doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và các doanh nghiệp mở tờ khai hải quan ngoài TP.HCM”, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch HXNK tỉnh Bình Dương kiến nghị.

Không chỉ vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP) cũng đã gửi công văn tới Bộ Tư pháp kiến nghị báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TP.HCM xem xét không thu các loại phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn kinh tế gặp khó do dịch Covid-19, ít nhất đến cuối năm 2021. VASEP đồng thời cũng đề nghị điều chỉnh mức thu nói trên giảm theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách cho TP.HCM và yêu cầu TP.HCM công khai, minh bạch cụ thể các khoản thu/chi, chi như thế nào, vào những công trình cụ thể nào.

Phía VASEP cho rằng, việc thu phí này đang tạo ra nhiều bất hợp lý bởi hiện nay các doanh nghiệp phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Đại diện một số doanh nghiệp chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang gánh một khoản tiền lớn phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp thủy sản và các ngành hàng khác đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu 2 lần phí cho container hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu. Trong khi đó, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu hiện nay đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Từ nhiều năm nay, chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực, cộng thêm tình trạng thiếu container rỗng kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến chi phí thuê container tăng vọt, nếu thời điểm này cộng thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19.

Là đơn vị sâu sát và nắm rõ hoạt động của doanh nghiệp, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh tế-xã hội. Trong đó, kiến nghị thành phố xem xét giãn thời hạn áp dụng thu phí cảng biển, giảm phí cho các trạm thu phí trên địa bàn. “Đã đầu tư tiện ích công cộng thì phải thu phí, nhưng trong lúc doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19 và chi phí logistics còn rất cao như hiện nay thì cần có sự linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM đưa ra ý kiến.

Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, mức phí hạ tầng cảng biển tại TP. HCM sẽ áp dụng từ ngày 1/7 thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container. Nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được dùng để đầu tư xây dựng, giảm ùn tắc tại những trục đường gần các cảng ở TP.HCM, giảm tai nạn giao thông, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển kinh tế thành phố. Về lâu dài, các đơn vị vận tải, logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi do rút ngắn thời gian vận chuyển khi hạ tầng giao thông được cải thiện.

Nguồn Minh Lâm/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục