Dòng sông Di sản

Ngó qua ô cửa nhà rường bên đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế, sông Hương bồng bềnh hiện ra trong sương khói lam chiều với một ít buồn, một ít gió… Trong giây phút ấy, bất chợt vần thơ của Thu Bồn làm lay lòng người: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”...

Không biết từ bao giờ, sông Hương đã trở thành suối nguồn không bao giờ lặp lại trong cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc họa cũng như cách lý giải khác nhau về tên gọi. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Sông Hương còn là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, sông mang tên Linh Giang, dòng sông viễn châu đã gắn với những chiến công oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỷ trung đại. Thế kỷ 18, sông vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; sông sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ 19 với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng Tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển”.

Ảnh minh họa

Có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ gọi là sông Hương bởi đầu nguồn có nhiều giống cỏ Thạch Xương Bồ đưa mùi thơm vào dòng nước nên sông Hương không chỉ đẹp mà nước sông còn có mùi thơm. Tuy vậy, lai lịch con sông Hương thì có ít nhất đến năm tên gọi khác nhau: Lô Dung, Linh, Dinh, Kim Trà và sông Hương. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng, sông Hương, nơi hội tụ nhiều nền văn minh với những địa danh khác nhau nên việc cùng một dòng sông mang nhiều tên gọi là chuyện bình thường. Tên gọi thay đổi theo những lần thay đổi địa danh. Ông lý giải, thời bấy giờ có thể người ta gọi tên sông theo tên huyện nó đi qua, nên một con sông đã có nhiều tên. “Sông cái Đan Điền” là quãng sông Linh khi đi qua huyện Đan Điền (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay). Cũng thế, “Sông cái Kim Trà” là quãng sông Linh khi đi qua huyện Kim Trà. Lý giải này có căn cứ thực tế lịch sử. Rằng người xưa có thói quen gọi tên sông theo tên làng, xã, huyện, tỉnh nó đi qua. Hai huyện Đan Điền và Kim Trà đều thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, xuất hiện từ thời nhà Lê. Đến triều Nguyễn vùng đất Hương Trà nơi dòng sông chảy qua trở thành một phần kinh đô cả nước nên nó định hình một cách mặc định là sông Hương…

Ngó qua ô cửa nhà rường bên đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế, sông Hương bồng bềnh hiện ra trong sương khói lam chiều với một ít buồn, một ít gió… Trong giây phút ấy, bất chợt vần thơ của Thu Bồn làm lay lòng người: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Xuôi dòng Hương, về ngã ba Sình- nơi sông Hương nhập với sông Bồ và sông Ô Lâu vào phá Tam Giang trước khi đổ ra biển cả. Tại đây cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng lại diễn ra hội vật nên mới có câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi – Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình”. Sông Hương gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá Huế. Các hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống như nghe ca Huế trên sông, đua thuyền… đến nay vẫn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Đặc biệt, hai bờ sông Hương có nhiều đền chùa nên mỗi năm thường tổ chức hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Phần lớn người Huế tìm đến đền chùa để cầu an, lễ hội để cầu vui là chính chứ không cầu tài lộc, thăng quan tiến chức…

Dòng chảy sông Hương ngàn năm vẫn miệt mài bồi đắp nguồn sức sống cho đôi bờ. Để từ đó, Huế thực sự là một mảnh đất đầy ắp lịch sử, chứng kiến và dung nạp rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh Đông – Tây của hàng ngàn năm trước và mãi mãi về sau. Từ một địa chỉ văn hóa Sa Huỳnh đến dấu ấn văn hóa Chăm rồi đến quan hệ giao lưu văn hóa Trung Hoa vẫn còn in đậm dấu vết ở phố cổ Gia Hội – Chợ Dinh… Sông Hương từ lâu được chọn làm trục chính trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế, đóng vai trò “mẹ đỡ” các chương trình nghệ thuật tại các kỳ Festival Huế. Đây là nền tảng làm nên thành công cho Festival, ngược lại Festival làm cho di sản Huế thăng hoa và trường tồn với thời gian. Có lẽ từ đây con sông lại có thêm một tên mới Dòng sông Di sản.

Nguồn Hoàng Anh/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục