Asanzo và lỗ hổng danh nghĩa hàng Việt

Mặc dù Chủ tịch Tập đoàn Asanzo thừa nhận nhập 70% linh kiện ti vi từ Trung Quốc, nhưng theo các quy định hiện hành, họ vẫn có quyền ghi xuất xứ Việt Nam. Trước tình trạng này, ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam?

Mập mờ giữa chuyện thiết kế với lắp ráp tại Việt Nam, hoặc chỉ công bố là thương hiệu của Việt Nam là lợi dụng cảm xúc của người tiêu dùng để trục lợi.

Mập mờ xuất xứ Việt Nam

Sau thông tin phản ánh ti vi Asanzo nhập hàng Trung Quốc rồi dán nhãn Việt Nam, Chủ tịch Asanzo, Phạm Văn Tam thừa nhận, tập đoàn này nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc và 30% tại Việt Nam. Ông Tam cho rằng ghi xuất xứ Việt Nam là không trái luật.

Thực tế, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ chi tiết tỷ lệ linh kiện và khi nào thì được ghi là xuất xứ ở Việt Nam. Theo thông tin công bố hồi cuối tháng 6/2019, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam”. Theo đó, cục này chỉ cảnh báo chung chung rằng, có trường hợp hàng hóa được nhập khẩu hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng.

Nghị định 31 do Bộ Công thương ban hành năm 2018, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, cũng không nói rõ thế nào là hàng có xuất xứ Việt Nam hoặc “Made in Vietnam”. Khoản 1 Điều 3 của nghị định này ghi “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa”. Ngoài ra, khoản 14 Điều 3 cũng định nghĩa hoạt động sản xuất bao gồm cả gia công hay lắp ráp. Như vậy, theo nghị định này, dù Asanzo có nhập phần lớn linh kiện từ Trung Quốc, nhưng hoàn thiện công đoạn sản xuất cuối cùng tại Việt Nam nên được ghi xuất xứ Việt Nam.

Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp hoạt động giống Asanzo. Chẳng hạn, giày Adidas của Mỹ được gia công ở Việt Nam, điện thoại Samsung sử dụng gần như hoàn toàn linh kiện của Hàn Quốc được lắp ráp ở Việt Nam, Bia Tiger do Hà Lan sở hữu nhưng được sản xuất ở Việt Nam… vẫn được ghi là “Made in Vietnam”. “Chữ xuất xứ Việt Nam hay Made in Vietnam chỉ thể hiện công đoạn sản xuất cuối cùng được hoàn thiện ở nước nào thôi, không thể hiện nhiều thông tin về nơi sở hữu hoặc kết cấu sản phẩm” – ông Hưng cho biết.

Lãnh đạo một công ty kiểm toán ở TP.HCM cho rằng, tùy vào nguồn lực, doanh nghiệp có thể gia công linh kiện ở các nước có chi phí thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần sòng phẳng với người tiêu dùng và nên công bố rõ những thông tin đó. “Mập mờ giữa chuyện thiết kế với lắp ráp tại Việt Nam, hoặc chỉ công bố là thương hiệu của Việt Nam là lợi dụng cảm xúc của người tiêu dùng để trục lợi” – vị này nói.

Chủ tịch Asanzo, Phạm Văn Tam nói, nhãn “Made in China” ghi phía bên trong linh kiện. Nhãn xuất xứ Việt Nam dán phía ngoài vỏ ti vi là không trái luật.

Ma trận hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Đối với hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp phải bảo đảm có đến 40% nguyên liệu đầu vào được sản xuất tại Việt Nam để được hưởng thuế 0% trong khu vực ASEAN. Còn đối với khu vực CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) thì tỷ lệ này lên đến 70%. Đối với hàng bán nội địa tại Việt Nam, luật chưa quy định chi tiết tỷ lệ linh kiện là bao nhiêu.

Theo luật sư Hưng, luật cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải liệt kê chi tiết tỷ lệ linh kiện trong mỗi sản phẩm là ở đâu ra. Chính vì vậy mà đang có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này để nhập hàng ở nước khác như Trung Quốc, rồi ghi nhãn sản xuất ở Việt Nam. Ông Hưng kể, phổ biến hiện nay là mặt hàng đèn led. “Doanh nghiệp thoải mái nhập từng phần (chip, driver, phụ kiện) từ Trung Quốc về lắp ráp tại Việt Nam và biến đó thành hàng sản xuất ở Việt Nam” – ông nói.

Asanzo cũng vướng nghi vấn làm cách này với nhiều sản phẩm gia dụng và điện lạnh. Cụ thể, tháng 9/2018, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện Công ty Sa Huỳnh nhập 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ hiệu Asanzo, nhưng được tháo rời để tránh bị kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đáng nói là toàn bộ lô hàng không ghi nguồn gốc xuất xứ. Những hàng hóa này đều được dán nhãn Asanzo bán ra thị trường, thậm chí còn được gắn kèm mác Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Điều đáng quan tâm hiện nay là một số tổ chức chứng nhận hàng Việt hầu như không công bố cho người tiêu dùng biết, tỷ lệ hàng Việt trong mỗi sản phẩm được chứng nhận là bao nhiêu. Như trường hợp của Asanzo, đến khi sự việc vỡ lở thì Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao mới thu hồi danh hiệu này trước đó đã cấp cho Asanzo.

Tháng 9/2018, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện Công ty Sa Huỳnh nhập 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ hiệu Asanzo, nhưng được tháo rời và không ghi nguồn gốc xuất xứ. Những hàng hóa này đều được dán nhãn Asanzo bán ra thị trường, thậm chí còn được gắn kèm mác Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình

Hải quan là cửa khẩu quan trọng nhất để ngăn chặn hàng giả mạo xuất xứ. Tổng cục Hải quan cho biết gần đây liên tục ngăn chặn nhiều lô hàng nhập khẩu không ghi xuất xứ. Theo cơ quan này, việc nhập khẩu hàng hóa không nhãn mác vi phạm pháp luật hải quan. Nếu các lô hàng nhập khẩu trót lọt, sẽ được gắn nhãn mác cao cấp để lừa người tiêu dùng.

Đại diện Phòng Bảo vệ Người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng) cho rằng, một số người tiêu dùng hiểu rõ thông tin sản phẩm và hiểu rõ luật có thể phân định được hàng hóa có phải được sản xuất ở Việt Nam hay không. Nhưng phần lớn tin là hàng Việt vì được giới thiệu, khi biết sự thật đằng sau thì cảm thấy bức xúc.

Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng phải tự kiểm tra chéo thông tin để xác định đó có phải hàng Việt hay không. Theo Phòng Bảo vệ Người tiêu dùng, bất cứ lúc nào người tiêu dùng muốn biết thông tin cụ thể, có thể gửi văn bản đến doanh nghiệp đề nghị làm rõ. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể gửi văn bản đến Cục Xuất nhập khẩu để yêu cầu xác minh thông tin về nguồn gốc xuất xứ mà doanh nghiệp đã cung cấp. Tổng cục Hải quan cũng có thể trả lời người tiêu dùng về các chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc nguồn gốc nhập khẩu.

Theo Hoàng Yến/ nguoitieudung

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục