Lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp cần ngay các biện pháp hồi sức

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm đang khiến các doanh nghiệp tại nhiều ngành nghề như du lịch, giáo dục, xây dựng, vận tải, dệt may… gặp khó khăn, thách thức, thậm chí có nguy cơ phá sản…

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 5 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 26,1% và tăng 1,7%; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,5% và tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17% và tăng 33%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.

Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp các ngành kêu cứu

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng tỷ lệ giảm vẫn còn thấp, chưa giải quyết được hết khó khăn của doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19.

Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực

“Đây là lúc họ cần sự tiếp sức của Nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải đường bộ có được bước đệm tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn mong được các ngân hàng thương mại tiếp tục giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp như các gói hỗ trợ mà năm 2020 Chính phủ đã triển khai”, ông Quyền nói.

Với khối ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dịch Covid-19 đã khiến cho ngành dệt may thiếu đơn hàng, 30% công nhân ngành thiếu việc trong tháng Tư và 70% lao động còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất; hàng trăm nghìn lao động bị thiếu hoặc mất việc làm.

Đến nay, các doanh nghiệp lớn có trên 1.000 lao động đã chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ mùa dịch như khẩu trang, găng tay, bảo hộ… Doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung khai thác thị trường nội địa và vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất.

Dù các doanh nghiệp phục hồi nhưng các khó khăn vẫn còn đó, như vận chuyển hàng, giao hàng xuất khẩu do số lượng container khan hiếm, giá cả thuê container tăng vọt.

Việc thu hút lao động làm việc trở lại cũng vô cùng khó khăn do đây là lúc cao điểm của dịch Covid-19. Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, duy trì đội ngũ công nhân lao động…

Bà Mai kiến nghị, giải pháp hiện nay các doanh nghiệp mong đợi từ Chính phủ là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu tác động mạnh do dịch bệnh; hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi phục sản xuất, trang trải những khó khăn về tài chính. Đặc biệt, doanh nghiệp mong có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi… và các giải pháp này cần sớm được thực hiện để hỗ trợ kịp thời cho họ.

Kịp thời hồi sức cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ và hồi sức cho doanh nghiệp, ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế theo Nghị định 52 ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Đây là lần thứ ba Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, mà theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Nghị định 52 sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Với chính sách này, các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh bởi dòng tiền, thay vì nộp vào ngân sách Nhà nước thì trước mắt chưa phải nộp mà doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh nhằm duy trì sản xuất kinh doanh mà không phải đi vay và trả lãi vay.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Ông Lộc nhận định, các gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất… đã phần nào cấp cứu và vực đỡ không ít doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn của đại dịch.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường, việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là cần thiết.

Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tăng sức chống chịu trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như lần đầu tiên mà cần một giải pháp dài hơi hơn, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ phát triển…

“Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động. Quan điểm của tôi là cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái.Nếu có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của Covid-19, thì mục tiêu là hỗ trợ phục hồi, chứ không hỗ trợ cầm cự”, ông Cung nhấn mạnh.

Ngành Ngân hàng quyết liệt vào cuộc

Cùng chung tay chia sẻ đồng hành với doanh nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Ngân hàng, đã vào cuộc kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức

Theo đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2021. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Thông tư cũng quy định các ngân hàng được quyết định miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kể cả việc giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn. Nếu các chỉ số kinh tế tích cực, NHNN sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Đặc biệt, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung giảm chi phí để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, ngày 29/4 vừa qua, NHNN công bố danh sách các ngân hàng và công ty tài chính tham gia hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo danh sách vừa được NHNN công bố, đã có 74 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tham gia hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm 2021.

Ngoài ra còn có 19 công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính cũng tham gia các công tác hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm.

Đáng chú ý, 251 quỹ tín dụng nhân dân tại địa bàn các xã trên phạm vi cả nước cũng tham gia vào công tác hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cơ quan ngân hàng trung ương thời gian qua tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ.

Các ngân hàng theo đó đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tính đến ngày 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỉ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỉ đồng, cho 456,6 nghìn khách hàng vay vốn.

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến thời điểm dừng giải ngân theo quy định vào cuối tháng 1/2021, NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền khoảng 42,9 tỉ đồng và ngân hàng này sau đó đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỉ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc.

Lãnh đạo NHNN khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnThái Hoàng/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục