Long An: Vì đất, đánh mất tình thân

Sau quá trình xét xử vụ án tranh chấp đất đai tại Long An giữa nguyên đơn là bà Cao Thị Đẹp và bị đơn là bà Trần Thị Tâm (cùng ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cuối cùng, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Bức xúc vì cho rằng tòa án cố tình xử ép mình, bà Trần Thị Tâm đã gửi đơn kêu cứu đến báo chí.

Mất đất vì cho vay tiền?

Làm việc với phóng viên, bà Trần Thị Tâm cho biết: “Tôi và bà Cao Thị Đẹp có quan hệ họ hàng xa. Năm 2011, vì bà Đẹp có hoàn cảnh rất khó khăn nên tôi có cho mượn 170 triệu đồng. Sau 3 tháng, bà Đẹp nhận thấy không có khả năng trả nợ nên xin thế chấp mảnh đất có diện tích hơn 2.000m2 cho tôi. Sau đó, bà Đẹp đã đề nghị tôi mua luôn mảnh đất đó với tổng giá trị là 200 triệu đồng (giá thị trường thời điểm đó). Hợp đồng chuyển nhượng khu đất được ký kết tại Phòng Công chứng Đức Hòa.

Sau chuyển nhượng, tôi vẫn cho phép vợ chồng bà Đẹp canh tác trên khu đất vì tình thân họ hàng. Khoảng 4 năm sau (tháng 11/2015), tôi mới ra UBND huyện Đức Hòa đăng bộ, sang tên, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Một thời gian sau, khi đất đai khu vực này tăng giá, bà Đẹp có liên hệ thương lượng chuộc lại mảnh đất này nhưng tôi không đồng ý. Đùng một cái họ kiện tôi ra tòa yêu cầu trả lại đất. Tôi làm đúng chứ có sai đâu mà bị ép đến đường này?”.

Bà Tâm cho rằng, việc chuyển nhượng hơn 2.000m2 đất (khu đất ở ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) giữa bà và gia đình bà Đẹp là đúng quy trình, hợp pháp. Hợp đồng mua bán được Văn phòng Công chứng Đức Hòa công chứng và xác nhận. UBND huyện Đức Hòa căn cứ vào giấy tờ chuyển nhượng này cấp GCNQSDĐ cho bà Tâm không ai tranh chấp.

Theo tìm hiểu, sau khi gia đình bà Đẹp đâm đơn khởi kiện bà Tâm, ngày 28/2/2018, TAND tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp tài sản dân sự. Tại đây, TAND tỉnh Long An đã tuyên vô hiệu đối với GCNQSDĐ mà bà Tâm đã được UBND huyện Đức Hòa cấp, trả khu đất về cho gia đình bà Đẹp, đồng thời buộc gia đình bà Đẹp trả lại số tiền đã vay từ bà Tâm, cộng lãi suất với tổng là hơn 351 triệu đồng.

Trước nguy cơ mất trắng tài sản hợp pháp, bà Tâm đã gửi đơn kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP.HCM.

Bà Tâm đứng trước khu đất.

Y án sơ thẩm, có dấu hiệu thiên vị nguyên đơn?

Tháng 12/2018, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp dân sự nêu trên. Đáng chú ý, tại phiên tòa này, những tình tiết của vụ án sơ thẩm được giữ nguyên và tòa phúc thẩm cũng tuyên y án sơ thẩm.

Để làm rõ thông tin vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với UBND huyện Đức Hòa và Văn phòng Công chứng huyện Đức Hòa.

Tại Văn phòng Công chứng huyện Đức Hòa, ông Trần Văn Châu, Trưởng văn phòng xác nhận: “Có chứng nhận chuyển nhượng đất giữa gia đình bà Đẹp và bà Tâm theo đúng quy định của pháp luật”. Ngoài ra, ông Châu cho biết, tại phiên tòa sơ thẩm, ông có làm văn bản xin xét xử vắng mặt “vì không có thời gian” và đã gửi văn bản xác nhận tại TAND tỉnh Long An ngay hôm xét xử.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Hòa, Võ Văn Cấp cũng xác nhận có cấp GCNQSDĐ cho bà Tâm vào tháng 11/2015. Toàn bộ vụ việc, UBND huyện Đức Hòa đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (đại diện là ông Lê Thanh Tuấn, bấy giờ là Phó Trưởng phòng) tiếp nhận xử lý và làm đúng quy định của pháp luật.

Cả UBND huyện Đức Hòa và Văn phòng Công chứng Đức Hòa đều khẳng định làm đúng quy định pháp luật trong vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà Đẹp sang bà Tâm. Tuy nhiên, cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều “phớt lờ” những ý kiến này và tuyên xử vô hiệu GCNQSDĐ của bà Tâm.

Điều này khiến gia đình bà Tâm không khỏi hoang mang, bức xúc, bởi lẽ từ một người mua bán hợp pháp, bà Tâm trở thành người mất tài sản và bị gia đình bà Đẹp “lật lọng”, trong khi mối quan hệ giữa bà Đẹp và bà Tâm là họ hàng cũng trở nên xấu đi.

“Tôi phải làm gì đây? Tòa án có dấu hiệu xử ép chúng tôi, khi trưng ra những bằng chứng không thuyết phục như đoạn ghi âm gì đó mà tôi có biết ai ghi âm đâu; hỏi luật sư thì luật sư nào cũng nói ghi âm không là bằng chứng trước tòa, ghi âm không chính thức còn không được xem là tài liệu kìa… Giờ đây, gia đình tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, mất tài sản, kiệt quệ kinh tế vì vụ việc này. Thêm nữa, tôi và bà Đẹp cũng sẽ không còn họ hàng gì nữa sau những gì bên đó đã gây ra cho tôi” – bà Tâm nói trong nước mắt.

Đánh giá về vụ việc, luật sư Nguyễn Vũ Điểm – Văn phòng Luật sư Nhân Văn nhận định: “Về nội dung vụ án và nhận định căn cứ hồ sơ tài liệu được cung cấp gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, GCNQSDĐ xác định bà Trần Thị Tâm, ông Nguyễn Văn Út nhận chuyển nhượng của bà Cao Thị Đẹp, ông Lê Văn Đực diện tích 2.213m2 thuộc thửa đất 166, 167, tờ bản đồ số 7 tại ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với giá 200.000.000 đồng. Việc công chứng hợp đồng được hoàn thành và người nhận chuyển nhượng đã được đăng bộ đứng tên trên GCNQSDĐ. Bản án phúc thẩm số 386/2018/DS-PT ngày 14/12/2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM xác định đây thực chất là hợp đồng vay tài sản và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu là không có căn cứ bởi lý do sau: Không có chứng cứ chứng minh xác định đây là hợp đồng vay tài sản, trong suốt quá trình dài không có việc thực hiện trả lãi giữa các bên. Trong khi đó, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng chưa tiến hành điều tra xác minh làm rõ việc vay mượn giữa hai bên diễn ra như thế nào, có ai chứng kiến việc vay mượn, lãi vay như thế nào; trường hợp có sự vay mượn tiền thì có hay không việc giao đất để cấn trừ nợ.

Về hướng giải quyết hiện tại bản án phúc thẩm số 386/2018/DS-PT ngày 14/12/2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật, căn cứ Điều 331 BLTTDS 2015 bị đơn có quyền làm đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện việc kháng nghị bản án nêu trên theo quy định pháp luật”.

Đoạn băng ghi âm “ma”?

Theo khẳng định từ phía bà Tâm, tòa án đã căn cứ vào một đoạn băng ghi âm giả mạo (bà Tâm không biết đoạn ghi âm này và cũng cho rằng mình bị gài) từ phía bà Đẹp để tuyên án. Đoạn ghi âm chỉ thể hiện lời nói từ phía bà Dứt (con bà Đẹp). Bà Tâm cho rằng, việc tòa án không công khai đoạn ghi âm tại tòa khiến bà vô cùng bức xúc và cho rằng tòa án đã có dấu hiệu mờ ám!?

Theo Đăng Kiệt – Hoàng Quân/ Nguoitieudung

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục