Giao dịch an toàn mùa dịch: Ngân hàng tăng cường ứng dụng công nghệ

Công nghệ đang trở thành một trong những mũi nhọn được tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Cùng với xu thế chung, các nhà băng đã tích cực sử dụng công nghệ để góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Thanh toán không tiếp xúc, mở tài khoản từ xa, gửi tiết kiệm online, thanh toán các hóa đơn, giao dịch, giải ngân trực tuyến… đã được đẩy mạnh tối đa.

Không để dịch vụ ngân hàng gián đoạn trong mùa dịch

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, ngành kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó lấy tấn công là chính, mang tính đột phá, phòng ngừa là quan trọng, quyết định; thực hiện phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với phương châm “5K + vaccine + công nghệ”. Vẫn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng đây được xem là cách tiếp cận mới trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Đó là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, với ngành Ngân hàng, ngoài việc chủ động tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, đồng thời chung tay bằng những đóng góp thiết thực, các nhà băng đã tích cực sử dụng công nghệ trong tất cả các khâu, để đảm bảo giữ hoạt động của ngân hàng luôn thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh.

Mới đây, NHNN đã có văn bản số 3947/NHNN-TD, yêu cầu các tổ chức tín dụng; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai và nghiêm túc thực hiện nghiêm túc thực hiện đúng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và các cấp chính quyền địa phương về phòng chống dịch COVID-19. Chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Ngân hàng tích cực đẩy mạnh số hóa để góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Ảnh: ST

Cùng với những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.

Ngay như tại tâm dịch Bắc Giang, UBND tỉnh này đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tuyên truyền, khuyến khích khách hàng ưu tiên lựa chọn sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời chủ động xây dựng phương án đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục trong mọi tình huống; giúp các doanh nghiệp, khách hàng nắm bắt thông tin, cơ chế, chính sách của NHNN và ngân hàng chủ quản liên quan đến các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đa dạng các dịch vụ ngân hàng online

Thực tế cho thấy, việc khuyến khích thanh toán, sử dụng dịch vụ online đã được các nhà băng triển khai mạnh mẽ ngay từ thời điểm dịch bùng phát.

Minh chứng đó là việc tích cực tuyên truyền, tung ra các ưu đãi để thúc đẩy thanh toán không tiếp xúc trong mùa dịch. Các nhà băng đã đồng loạt “tiến quân” bằng việc miễn phí các giao dịch online, tặng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến… và tạo thêm nhiều trải nghiệm thú vị trên nền tảng số dành cho người dùng. Và “trái ngọt” chính là các giao dịch thanh toán online đã thực sự bùng nổ trong mùa dịch.

Không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh thanh toán online, các ngân hàng còn đẩy mạnh các giao dịch khác như gửi tiết kiệm, thanh toán các hóa đơn, dịch vụ công, mở tài khoản, xét duyệt hồ sơ vay vốn và cho đến giải ngân cũng được thực hiện nhanh chóng trên nền tảng số.

Đơn cử như mới đây, VPBank đã cho ra mắt dịch vụ giải ngân trực tuyến đầu tiên, theo đó những khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vay vốn tại VPBank có nhu cầu giải ngân chỉ cần đăng nhập vào website dành riêng cho sản phẩm này và thực hiện theo bốn bước đơn giản. VPBank sẽ tiến hành xem xét và giải ngân ngay cho khách hàng trong khoảng từ 1-2 giờ làm việc.

Theo đại diện VPBank, đây là sản phẩm góp phần hoàn thiện trải nghiệm số hóa cho khách hàng gồm các sản phẩm – dịch vụ như mở tài khoản online eKYC, cấp hạn mức thấu chi online, bao thanh toán online, giải pháp hỗ trợ kinh doanh online Simplify – Ecompay… qua đó giúp doanh nghiệp xử lý yêu cầu nhanh chóng, chủ động mọi lúc mọi nơi mà không bị cản trở bởi không gian và thời gian, đặc biệt trong thời điểm hạn chế đi lại, tiếp xúc bởi dịch bệnh.

Tại Agribank, ngân hàng này cho biết từ ngày 1/6/2021 sẽ tiếp tục triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trên kênh Internet Banking. Cùng với đó, Agribank đã triển khai mô hình ngân hàng tự động Autobank CDM nhằm giảm các giao dịch trực tiếp tại quầy, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh với 156 máy CDM. Ngân hàng tự động này với nhiều tính năng giao dịch vượt trội, màn hình cảm ứng hiện đại, khả năng quay vòng tiền, hệ thống CDM được đánh giá cao, góp phần tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch tại quầy, chi phí kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM, gia tăng chức năng, tiện ích cung cấp cho khách hàng, không chỉ gửi/rút tiền tự động mà còn thanh toán nợ gốc và trả lãi tiền vay tại CDM thay vì phải đến quầy giao dịch.

Vietcombank là ngân hàng tiếp theo cho phép người dùng mở tài khoản trực tuyến với những thao tác đơn giản

Vietcombank cũng cho biết, trước mối lo ngại lớn nhất hiện nay đó là nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ở các bệnh viện nên nhà băng này sẽ hợp tác với nhiều đơn vị để cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện.

Đặc biệt mới đây, Vietcombank cũng đã chính thức ra mắt dịch vụ Mở tài khoản trực tuyến với công nghệ đột phá, giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Theo đó, chỉ bằng những thao tác đơn giản trên điện thoại, người dùng sẽ có ngay tài khoản để sử dụng. Không chỉ vậy, khách hàng có thể lựa chọn số tài khoản theo số điện thoại và được mặc định đăng ký gói tài khoản VCB Plus để chuyển tiền hoàn toàn miễn phí cả trong và ngoài hệ thống trên Ngân hàng số VCB Digibank. Sau khi mở tài khoản thành công, khách hàng có thể rút tiền tại các ATM của Vietcombank thông qua tính năng “Rút tiền bằng mã QR” được tích hợp ngay trên Ngân hàng số VCB Digibank mà không cần phải sử dụng thẻ.

Ngân hàng số AB Ditizen của ABBANK cũng vừa được tích hợp thêm tính năng định danh khách hàng điện tử tự động toàn diện – eKYC, cho phép khách hàng làm thủ tục đăng ký mở tài khoản 100% trực tuyến ngay trên ứng dụng mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch. Ngoài ra, với AB Ditizen khách hàng còn được sở hữu số tài khoản trùng với số điện thoại của mình, tạo thêm sự thuận tiện trong giao dịch. Đặc biệt, hàng loạt dịch vụ tài chính online thiết yếu, bao gồm cả phí duy trì tại ngân hàng số AB Ditizen đều sẽ được phục vụ miễn phí cho đến hết ngày 31/12/2021.

Theo báo cáo về ngân hàng hợp kênh của Backbase, 90% đại diện ngân hàng được hỏi cho biết, sẽ tăng chi cho công nghệ nhằm phát triển các nền tảng giao dịch trực tuyến tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng; 56% ngân hàng tham gia khảo sát cho rằng, tương tác giữa khách hàng với các nền tảng số sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân khách hàng.

Có thể thấy, không chỉ trong mùa dịch, cuộc đua chuyển đổi số của các nhà băng đã sôi động từ nhiều năm nay, tuy nhiên, dịch COVID-19 đã trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ để đường đua số hóa thêm phần khốc liệt. Trong cuộc đua ấy, khách hàng chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi ngày càng được trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các giao dịch online không chỉ giúp cho người dùng không bị gián đoạn các hoạt động thường ngày mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thanh toán số bùng bổ mùa dịch

Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN), tính tới hết quý I/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng cao: Giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị). Giá trị giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị).

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnQuỳnh Trang/Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục