Ngân hàng tính đường dài với Basel III

Chưa bao giờ các ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn nhiều như trong năm 2021 với tổng số vốn dự kiến tăng thêm là 159,4 nghìn tỷ đồng - con số kỷ lục quy mô tăng vốn trong 1 năm.

Động thái này được đánh giá tích cực bởi việc tăng vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng khi mà quy mô hoạt động ngày càng mở rộng. Trong khi vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng tăng không tương ứng tạo áp lực đối với hệ số an toàn vốn, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống. Thực tế này đặt ra yêu cầu buộc các ngân hàng lớn nhỏ phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo được hệ số an toàn vốn theo Basel II, cao hơn nữa là Basel III. Tuy mức độ yêu cầu mới là Basel II, nhưng hiện tại một số ngân hàng đã chuẩn bị cho bước áp dụng các chuẩn mực cao hơn trong Basel III như TPBank, VIB, MSB…

Lý do chủ động áp dụng chuẩn mực Basel III được một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ: ngân hàng xác định muốn hoạt động ổn định, an toàn hiệu quả trên nền tảng quản trị tốt thì phải áp dụng phương pháp quản trị tiên tiến trên thế giới. Basel III đưa ra một số tiêu chí chặt chẽ hơn Basel II về yêu cầu về vốn, tiêu chuẩn về tính thanh khoản nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, tăng cường khả năng đối phó với khủng hoảng tài chính, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai. Đối với hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn vốn và thanh khoản bền vững được coi là một trong mục tiêu cốt lõi để phát triển ổn định phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển của ngân hàng. Do vậy, sau khi hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, ngân hàng muốn tính đường dài hơn cho sự phát triển bền vững trong tương lai nên quyết định tiếp cận một số tiêu chí theo chuẩn mực Basel III.

Hiện tại, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận song song cả hai chuẩn mực Basel II và Basel III. Bởi theo ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc VIB, triển khai Base III là bài toán không hề dễ nên ngân hàng phải chạy song song để khi áp dụng sẽ không tác động ngược lại hoạt động kinh doanh.

Chẳng hạn MSB vừa công bố triển khai áp dụng quản trị rủi ro tín dụng theo phương pháp xếp hạng nội bộ của chuẩn mực Basel II, đồng thời triển khai Basel III trong quản trị rủi ro hoạt động, thị trường và thanh khoản. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng giám đốc MSB, việc triển khai Basel II nâng cao, đón đầu Basel III là động lực cũng như nền tảng vững vàng để ngân hàng đảm bảo sự cân bằng giữa yếu tố tăng trưởng và tính bền vững, chất lượng trong hoạt động, ngăn chặn, hạn chế tổn thất nếu có ở mức thấp nhất.

Tương tự tại SHB, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng giám đốc SHB cho biết: Ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư, phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới chuẩn mực Basel III. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả, từ đó cung cấp các sản phẩm tài chính, phi tài chính an toàn, tin cậy và minh bạch dành cho khách hàng.

Những lợi ích thiết thực mang lại cho ngân hàng cả về góc độ quản trị rủi ro và hiệu quả kinh doanh khi áp dụng chuẩn mực Basel III là rất rõ. Song để triển khai đầy đủ các trụ cột của Basel III không phải là điều đơn giản. Nếu các ngân hàng Việt Nam không đáp ứng các yếu tố căn bản về vốn, cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, năng lực trình độ nhân lực, thị trường minh bạch, cơ chế chính sách… thì rất khó có thể tiếp cận được chuẩn mực Basel III.

Một trong những yếu tố then chốt và quan trọng nhất để có thể áp dụng tiêu chuẩn Basel III, theo ông Trung đó là phải có vốn mạnh. Đây là trụ cột tăng trưởng cho ngân hàng trong mọi hoạt động. Tiếp đến là chất lượng tài sản tốt, công nghệ kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Giới chuyên môn cho rằng thời gian tới, các NHTM cần phải có chiến lược rõ ràng, đánh giá cụ thể tình hình hiện tại, xác định thứ tự ưu tiên để triển khai sao cho phù hợp. Thời gian hoàn thành các trụ cột theo Basel III tùy thuộc sức khỏe của từng ngân hàng. Có ngân hàng mất khoảng 1-2 năm hoặc nhanh hơn, có ngân hàng sẽ phải kéo dài lâu hơn. Nhưng việc sớm hoàn thành quy định hoạt động theo chuẩn mực quốc tế không chỉ khẳng định vị thế mà còn giúp các ngân hàng Việt ghi điểm cao đối với các NĐT nước ngoài.

Tất nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là các ngân hàng phải cố gắng bằng mọi giá chạy theo số lượng, mà quan trọng là chất lượng. Bởi vì, áp dụng Basel III sẽ giúp các ngân hàng phát triển an toàn, bền vững hơn trong tương lai, song với quy mô vốn của ngân hàng dù được cải thiện nhưng còn khiêm tốn. Việc đáp ứng các quy định khắt khe của Basel III có thể làm hạn chế khả năng cung ứng tín dụng, giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng trong ngắn hạn. Nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng đang cần có năng lực tài chính tốt, nguồn vốn dồi dào hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế đang chịu tác động từ dịch bệnh sớm vượt qua khó khăn.

NguồnHà Thành/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục