Đình Cái Chiên
Không chỉ là xã đảo du lịch tuyệt đẹp, hoang sơ, xã đảo Cái Chiên còn gìn giữ được di sản văn hoá quý, đó là đình Cái Chiên - nơi ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Hải Hà.
Theo tư liệu Hán Nôm và các tài liệu khác thì đình Cái Chiên được dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 18), thờ 8 vị thần và Thành hoàng làng. Đình có quy mô nhỏ trên một quả đồi thấp có tên Gồ Tròn. Qua nhiều biến động lịch sử, đình vẫn giữ được nhiều dấu tích nền móng, di vật quý cho tới ngày nay.
Đình Cái Chiên nay thuộc xóm Vụng Bầu, thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên. Đình hiện tọa lạc trên lưng chừng triền núi, nơi có diện tích đất rộng, cao ráo, thoáng đãng. Phía sau đình là dãy núi khum khum như thể miệng rồng, ở giữa có một dải đất thấp hơn vươn ra như thể lưỡi rồng là nơi dựng đình. Đây là vị trí đắc địa nhất của làng Cái Chiên theo thế rồng nhả ngọc. Sau khi có đình, người dân xã Cái Chiên còn xây dựng các ngôi miếu để thành hoàng ngự, tạo thành một quần thể đình – miếu như nhiều làng xã Việt khác.
Đình Cái Chiên lưu giữ nhiều tư liệu quý, dấu tích lịch sử, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, một số cổ vật, di vật giá trị có niên đại từ thời Hậu Lê, thời Nguyễn. Đặc biệt, nhân dân xã Cái Chiên vẫn còn lưu giữ được một quyển sách Hán Nôm viết năm 1897, ghi tên các vị Thành hoàng và các bài văn cúng tế Thành hoàng trong lễ hội đình Cái Chiên.
Tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội có 1 quyển hương ước chép năm 1937, ghi lại các quy định và sự lệ của làng Cái Chiên, châu Hà Cối, tỉnh Hải Ninh. Đây là những tư liệu, hiện vật vô cùng giá trị, khẳng định dấu ấn văn hóa của nhân dân xã đảo Cái Chiên.
Lễ hội đình Cái Chiên trước đây được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng giêng hàng năm với nhiều nghi lễ: Lễ cáo yết, lễ rước Thành hoàng, lễ nhập tịch, lễ an vị, lễ ngồi đình của các chức sắc quan viên… Đặc biệt là nghi lễ hát thờ thần (hát cửa đình) trước khi tế Thành hoàng và lễ dâng cỗ tế Thành hoàng. Phần hội có các trò chơi, diễn xướng dân gian như: Tổ tôm, cờ tướng, hát nhà tơ, hát đối giao duyên… Lễ hội không chỉ giới hạn trong phạm vi xã Cái Chiên mà còn thu hút được nhân dân ở các địa phương lân cận tham gia thi hát.
Quần thể đình – miếu Cái Chiên còn là “nhân chứng” của nhiều sự kiện lịch sử. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp, đình Cái Chiên là nơi nhân dân trên đảo bỏ phiếu đại biểu Quốc hội, bầu uỷ ban kháng chiến, uỷ ban kháng chiến hành chính; thành lập Đội tự vệ vũ trang của xã, kết nạp đảng viên các xã miền biển Hà Cối, thành lập chi bộ ghép miền biển Duyên Hải tỉnh Hải Ninh. Đình cũng là nơi đặt hũ gạo để quyên góp nhân dân ủng hộ kháng chiến; tổ chức các lớp bình dân học vụ…
Đặc biệt, giữa năm 1948, tại đình Cái Chiên đã diễn ra lễ kết nạp lớp Đảng viên đầu tiên của các xã miền biển Hà Cối. Đình cũng chính là nơi thành lập Chi bộ Đảng miền Duyên hải đầu tiên của tỉnh Hải Ninh gồm các xã: Cái Chiên, Phú Hải, Tiến Tới (huyện Hải Hà) và Vĩnh Thực, Vĩnh Trung (nay thuộc TP Móng Cái).
Như vậy, có thể thấy đình Cái Chiên mang nhiều giá trị đặc sắc, có bề dày văn hóa, lịch sử gắn với nhiều thời kỳ cách mạng. Hiện huyện Hải Hà đang tập trung phát triển xã đảo Cái Chiên thành điểm đến du lịch cao cấp. Vì thế nếu đình Cái Chiên được quan tâm đầu tư tôn tạo đúng mức, đây sẽ là một trong những nguyên liệu tuyệt vời để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử trên xã đảo đẹp, giàu tiềm năng này.