Siêu thị lớn “đối xử” như thế nào với hàng Việt?

Sau biến cố Big C “xử tệ” với hàng dệt may Việt Nam đầu tháng 7, người tiêu dùng chú ý hơn đến số phận của hàng Việt tại các siêu thị lớn. Các chuỗi siêu thị do người Việt hay người nước ngoài làm chủ đều nói “ưu tiên hàng Việt” với tỷ lệ đến 90%...

Lotte Mart không ưu tiên hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều tỷ phú bán lẻ thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là các đại gia Thái Lan đua nhau thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một trong các cách phổ biến nhất là thâu tóm các chuỗi siêu thị lớn đang hoạt động. TCC Holdings mua Metro Việt Nam, Central Group thâu tóm Big C và Nguyễn Kim…

Không mang “quốc tịch” Việt Nam, Lotte Mart vào Việt Nam theo hình thức tự phát triển. Nghĩa là công ty mẹ tới Việt Nam tự xây dựng và quảng bá Lotte Mart. Trong khi đó, chuỗi VinMart là siêu thị “thuần Việt” chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường bán lẻ.

Vì vậy, khi sự cố Big C tạm dừng hợp đồng với các nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam xảy ra, “số phận” hàng Việt tại những siêu thị này nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng Việt.

Trao đổi với phóng viên, đại diện hệ thống Lotte Mart cho biết Lotte Mart duy trì tỷ lệ hàng Việt rất cao. Mỗi ngành hàng có tỷ lệ cao, thấp khác nhau nhưng tính trung bình, hàng Việt phải chiếm tới 90% tổng lượng hàng hóa hệ thống bán lẻ này cung cấp.

Đại diện Lotte Mart khẳng định trong tương lai, ban lãnh đạo không có kế hoạch thay đổi tỷ lệ hàng Việt. Và càng không có việc Lotte Mart ưu tiên sản phẩm, hàng hóa đến từ Hàn Quốc. Hàng hóa Hàn Quốc cũng chỉ nằm trong số 10% còn lại, bên cạnh hàng hóa nhập từ Âu Mỹ, Thái Lan, Indonesia. Theo Lotte Mart, chuỗi siêu thị này có chính sách ưu tiên hàng Việt.

Tương tự, đại diện VinMart cũng khẳng định hệ thống bán lẻ này (bao gồm siêu thị Vinmart và rất nhiều siêu thị mini Vinmart+) có nhiều chính sách ưu tiên cho hàng Việt, ưu tiên từ tỷ lệ hàng hóa và vị trí bày bán hàng hóa.

Theo đó, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam được duy trì thường xuyên ở mức 90% trên các kệ của VinMart. VinMart ưu tiên các vị trí đảo khuyến mại, đầu kệ hàng, các điểm có luồng lưu thông khách hàng lớn trong siêu thị cho hàng hóa nội địa.

VinMart sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ hàng Việt.

“Về chính sách bán hàng, VinMart thực hiện chính sách bán hàng không lợi nhuận, chương trình bình ổn giá với các sản phẩm đặc biệt theo các chương trình kêu gọi của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương. Hệ thống có chính sách chiết khấu phù hợp với từng loại mặt hàng, bảo đảm tỷ lệ lợi nhuận phù hợp với từng nhà cung cấp hàng hóa” – đại diện VinMart cho hay.

Trong tương lai, VinMart sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ cao hàng Việt ở các siêu thị VinMart, đặc biệt là tỷ lệ hàng hóa tươi sống sẽ lên đến hơn 95%. Như vậy, có thể thấy, VinMart cũng thực hiện chính sách ưu tiên hàng Việt.

Trong khi đó, chuỗi siêu thị Metro Việt Nam (nay đã đổi tên thành MM Mega Market) cho biết là sẽ ưu tiên hàng Thái Lan sau khi bị TCC Holdings của Thái Lan thâu tóm. Điều đó có nghĩa hàng Việt sẽ bị “thất sủng” trong hệ thống bán buôn lớn nhất Việt Nam này.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, trong thời gian qua, MM Mega Market có giới thiệu hàng Thái Lan và dành vị trí khá tốt để giới thiệu những sản phẩm này. Thế nhưng, hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên các kệ hàng.

Cho dù thực tế như vậy nhưng đây chưa phải là “tin mừng” trọn vẹn vì hàng Việt được bày bán tại các siêu thị được hiểu là hàng “made in Vietnam”, chứ không phải hàng hóa của doanh nghiệp Việt. Có thể dễ dàng nhận thấy, các sản phẩm tiêu dùng của P&G, Unilever, Nestley… chiếm rất nhiều vị trí “đẹp”.

Doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được với các thương hiệu này có thể kể đến như Vinamilk, TH True Milk, Masan… Và đây là những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, nắm giữ thị phần lớn trong ngành hàng của mình. Còn doanh nghiệp nhỏ xuất hiện khá nhiều nhưng khiêm tốn ở những vị trí khuất nẻo hơn.

Theo Vy Vy/ Nguoitieudung

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục