Bao nhiêu tiền mặt đang lưu thông trong nền kinh tế?

Cuối tháng 4, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán ở mức 11,53%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 11,05%. Tỷ lệ này tăng lên mức 12,21% cuối tháng 2/2021 và đến hết tháng 4/2021 lại giảm xuống mức 11,53%.

Cuối tháng 4/2021, tổng phương tiện thanh toán (chưa bao chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) đạt hơn 12,46 triệu tỷ đồng. Theo đó, ước tính lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế đang hơn 1,43 triệu tỷ đồng.

Trước đó, tháng 4/2019, tháng 4/2020, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán lần lượt ở mức 12,32% và 12,46%. Có thể thấy, tỷ trọng tiền mặt trong xu hướng giảm trong những năm trở lại đây nhưng thay đổi mạnh.

Hồi cuối năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% và đến cuối năm 2025 rút xuống còn 8%.

Như vậy, đối chiếu với hiện tại thì mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Trong 2 năm trở lại đây, theo thống kê tại thời điểm cuối các tháng, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chưa bao giờ xuống đến mức 10%, thấp nhất chỉ mới 10,95% (tháng 11/2020).

Mặc dù các hình thức thanh toán hiện đại như mobile banking, internet banking, ví điện tử, QR Code,….bùng nổ trong những năm trở lại đây. Thói quen của người dân trong việc sử dụng tiền mặt vẫn rất khó thay đổi, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó, tập trung triển khai Nghị định mới về TTKDTM và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

NHNN cũng sẽ Trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; Phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Được biết, đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng, 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng, 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng, 181,5% về giá trị.

Nguồn Thu Thủy / Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục